(ANTV) - Với điều kiện phức tạp về dịch bệnh như hiện nay, khi mà liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới trong cộng đồng, thì nếu tài xế taxi không trang bị các công cụ phòng, chống dịch, sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.
Hơn 1 tháng trước, khi taxi được hoạt động trở lại, việc lắp vách ngăn phòng, chống dịch được chú trọng. Song khi thành phố Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới, thì đã có sự chủ quan, lơ là, khi một bộ phận tài xế taxi đã dỡ bỏ vách ngăn. Trong khi, thành phố Hà Nội hàng ngày vẫn liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới trong cộng đồng.
Việc bỏ vách ngăn chống dịch, đến từ nhận thức chưa đầy đủ của cánh tài xế taxi, việc hành khách đi xe taxi không chỉ 1 người, có lúc còn 3,4 người. Do đó, với không gian hẹp như xe taxi, sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bên cạnh đó, vì hầu hết đã được tiêm 2 mũi vắc xin, nên sinh ra tâm lý chủ quan.
Vách ngăn chống dịch, tuy chỉ là giải pháp tình thế, nhưng đem lại cảm giác yên tâm cho hành khách và chính tài xế khi tránh được tiếp xúc trực tiếp. Điều quan trọng, vách ngăn được làm từ ống gen điện và tấm nhựa bọc trần xe ô tô. Các ống gen được lắp đặt quanh phần ghế lái, chi phí lắp đặt thấp, thời gian lắp đặt nhanh và không hề ảnh hưởng đến kết cấu của xe. Song, thật bất ngờ, khi tài xế lại cho là vướng víu thay vì an toàn cho bản thân.
Theo các chuyên gia giao thông, hiện đường sắt đô thị đã đi vào hoạt động, xe buýt cũng đang cố gắng tạo mạng lưới kết nối với đường sắt đô thị. Và taxi - loại hình công cộng bán công cũng sẽ là một trong những mảnh ghép để hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng tại Thủ đô. Do đó, công tác phòng dịch phải được đặt lên hàng đầu,nếu muốn giao thông công cộng phát triển trong giai đoạn dịch phức tạp như hiện nay.
Cũng theo các chuyên gia giao thông, tài xế taxi cần dán mã QR code trên xe và yêu cầu hành khách khai báo y tế. Đồng thời, khuyến khích hành khách hạn chế sử dụng tiền mặt, thanh toán trực tuyến qua tài khoản để giảm thiểu việc tiếp xúc, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.