(ANTV) - Nhằm đáp ứng cao nhất việc lựa chọn biển số theo nhu cầu của người dân, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đăng ký quản lý phương tiện.Đồng thời, hoàn thiện đề án, tiếp thu ý kiến các cơ quan chức năng khác về đề án đấu giá biển số xe trên toàn quốc. Cục CSGT, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá. Tham dự hội thảo còn có đại diện các cơ quan của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cùng 1 số đại diện các đơn vị khác.
Theo đại diện Cục CSGT, với các quy định hiện hành đã đủ cơ sở pháp lý để xác định, biển số xe là tài sản công. Do vậy, Bộ Công an đề nghị chọn hình thức đấu giá theo cơ chế thị trường để khai thác tối đa giá trị sử dụng của biển số. Đồng thời, với mục tiêu đề án phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, đáp ứng cao nhất việc lựa chọn biển số theo nhu cầu của người dân. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký, quản lý phương tiện.
Tại hội thảo, đa số các ý kiến đều đồng tình, ủng hộ việc triển khai đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá. Tuy nhiên, để bảo đảm đề án triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật thì sẽ phải bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đặc biệt, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận đó là việc áp các mức giá với mỗi biển số, hay cần thiết phải quy định giá sàn, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Đây cũng chính là một trong những nội dung Cục CSGT, Bộ Công an đã tập trung xây dựng, hoàn thiện trong thời gian vừa qua. Đồng thời đưa ra các phương án để các Bộ, ban ngành, các địa phương cùng tham gia, đóng góp ý kiến.
Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Cục CSGT cho biết đã xây dựng 2 phương án. Cụ thể, phương án 1 là sẽ giữ nguyên theo luật hiện hành, cho phép đấu giá biển số, được phép sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi.
Phương án 2 là cho phép người dân được mua bán, cho tặng, trao đổi và cần quy định vào luật các quyền cụ thể. Tuy nhiên phương án nào thì cũng phải đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản công, đảm bảo quản lý nhà nước về trật tự xã hội, cải cách hành chính nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân. Cũng tại hội thảo, đại diện Cục CSGT đã trình bày cụ thể các nội dung cơ bản của đề án như quy định, điều kiện, kế hoạch đưa ra đấu giá.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, sáng ngày 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Theo chương trình dự kiến trong năm 2022, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Đối tượng giám sát gồm: Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội; Doanh nghiệp nhà nước; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phạm vi giám sát bao gồm: Giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công từ 1/1/2016 đến 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Nội dung giám sát tập trung 5 lĩnh vực, gồm: Quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; Quản lý tài sản nhà nước; Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên. Đối với từng lĩnh vực cụ thể, dự thảo kế hoạch nêu cụ thể các nội dung trọng tâm, trọng điểm tập trung giám sát.
Đóng góp ý kiến vào Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Kế hoạch, đồng thời nhấn mạnh, giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” là chuyên đề là được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm; phạm vi phức tạp, rộng lớn với những yêu cầu giám sát cao, vì vậy, đề nghị các đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm để báo cáo kết quả chính xác, khách quan với cử tri và nhân dân cả nước, bên cạnh đó, nên có sự tập trung vào những nội dung, phạm vi giám sát trọng tâm, trọng điểm.