(ANTV) - Mấy ngày qua, tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt như Quảng Trị, Quảng Ngãi có mưa lũ lớn. Nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, khiến các tuyến đê bao vùng trũng ở đây bị tràn.
Theo con số thống kê dù là chưa đầy đủ, thì cũng đã có hàng ngàn ha lúa đang trổ đồng bị ngập nặng, người nông dân đang đứng trước nguy cơ tay trắng. Cần có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân vượt qua những khó khăn trong mùa mưa lũ?
Mưa lũ những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/ 2022 trên dải đất miền Trung đã gây ra những thiêt hại lớn vê nông nghiệp, nhất là lúa và các loại hoa màu.
Chỉ tính riêng tại Quảng Ngãi đã có khoảng 5.000 ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông và chuẩn bị thu hoạch bị ngập nước, ngã đổ. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm cho 1.000 ha hoa màu bị ngập úng, hư hại nặng.
Tại Quảng Nam, đợt mưa lũ bất thường đã khiến gần 3 nghìn ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 8.400 ha bị ngập nước, lúa đang trổ bông nên khả năng hư hại rất cao.
Những giải pháp giúp dân mùa mưa lũ
Mưa lũ đã để lại những hậu quả rất nặng nề, đặc biệt với ngành nông nghiệp. Vậy cần phải có những giải pháp như thế nào để giúp dân trong giai đoạn này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí “Nông thôn mới” để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Được biết, ngày 03/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại khu vực miền Trung. Theo đó, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp với địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.
Hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường. Trong bối cảnh đó, các địa phương cần chủ động ứng phó - đó là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các địa phương, nhất là địa phương có nhiều bão lũ, hãy có tầm nhìn, tiên lượng để tham mưu và có giải pháp thực tiễn, không phải cái gì cũng chờ đợi, chăm chăm vào TW, Chính phủ giải quyết khi hậu quả đã xảy ra.