Thứ Sáu, 20/09/2024 06:52 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Xã hội

Thu mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính - thêm hy vọng “đoàn tụ”

(ANTV) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng còn hàng triệu gia đình vẫn đang khắc khoải nỗi niềm tìm kiếm người thân đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Giờ đây nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ chưa được xác định danh tính đã có thêm hy vọng sớm tìm lại được thân nhân của mình thông qua ngân hàng gen ADN của liệt sĩ và thân nhân. Ngày 27/7, Công an tỉnh Nam Định phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh và Công ty Genestory (đơn vị xét nghiệm) tổ chức chương trình thu nhận mẫu ADN thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được thông tin tại huyện Nam Trực với 32 thân nhân của 16 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Mang theo ảnh của anh trai chụp vào ngày nhập ngũ, bà Ngô Thị Nguyệt, 80 tuổi, đến làm thủ tục lấy mẫu ADN, mong tìm được hài cốt của anh - Liệt sĩ Ngô Văn Hạnh hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1968. Bà Nguyệt, sống tại xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, chia sẻ: "Anh tôi là thành viên đoàn chèo Nam Định. Đây là ảnh hôm đoàn chèo chụp tiễn anh tôi lên đường. Năm 1968 anh tôi hy sinh, từ đó đến nay đã 56 năm rồi, gia đình vẫn mong mỏi tìm được anh, đưa anh về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà." Niềm hy vọng của bà Nguyệt cũng là nỗi niềm mong ngóng của 15 gia đình thân nhân liệt sĩ đang có mặt tại UBND huyện Nam Trực. Đằng đẵng mấy chục năm tìm kiếm với nhiều cách nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt liệt sĩ.

Ông Đặng Văn Mến, em trai Liệt sĩ Đặng Ngọc Chúc, cũng đang có mặt để làm thủ tục lấy mẫu ADN. Ông Phạm Hữu Chi, em trai Liệt sĩ Phạm Hữu Háu, nói: "Nhà tôi có 3 anh em, 2 anh hy sinh rồi nên tôi không phải đi bộ đội nữa. Nhà nước chỉ thông báo là chết ở chiến trường miền Nam, sau đó gia đình tìm được hy sinh ở KonTum. Gia đình đã 8 lần vào tìm theo tọa độ, có máy định vị tọa độ nhưng tìm cả tuần trong đó không thấy. Gia đình tôi có liệt sĩ Pham Hữu Háu hy sinh ở miền Nam. Gia đình đã nhiều lần đi tìm nhưng không thấy. Được Đảng, Nhà nước quan tâm cho được lấy mẫu gen để tìm liệt sĩ, gia đình chúng tôi rất cảm động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước."

Niềm hy vọng tưởng đã tắt thì nay lại được thắp sáng bằng sự chính xác của khoa học. 32 mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ được thu nhận và đưa vào ngân hàng gen. Sau đó sẽ được phân tích, đối chiếu, xác thực thông tin với mẫu hài cốt liệt sĩ đã và đang tiếp tục được tìm kiếm, quy tập, lấy mẫu.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, cho biết: "Được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao triển khai Luật Căn cước mới, trong đó có thu thập ADN thân nhân các anh hùng liệt sĩ thiếu danh tính, tạo lập ngân hàng gen. Thân nhân các liệt sĩ sẽ già và mất đi, nếu không nhanh thì không còn cơ hội nữa. Thu nhận mẫu gen của thân nhân liệt sĩ là thu thập gen bên ngoại, dòng máu của người mẹ."

Thấu hiểu nỗi niềm đau đáu, day dứt của thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được danh tính, Bộ Công an quyết tâm xây dựng ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được danh tính và thân nhân liệt sĩ. Ngân hàng gen này là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác định và đưa liệt sĩ về đoàn tụ với người thân và quê hương. Đại tá Vũ Văn Tấn nói thêm: "Có rất nhiều bước thu thập mẫu gen. Bước đầu chúng ta thu mẫu, bảo quản rồi phân tích, tạo kho thân nhân. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tìm, quy tập, lấy mẫu gen các liệt sĩ còn thiếu danh tính rồi đối chiếu, so sánh."

Tại tỉnh Nam Định, sau khi triển khai điểm tại huyện Nam Trực sẽ triển khai chương trình thu nhận mẫu ADN thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được thông tin tại các huyện và thành phố Nam Định. Công an tỉnh sẽ phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tiến hành rà soát dữ liệu thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính và nhân thân gia đình có liệt sĩ chưa xác định thông tin hài cốt có thể thu mẫu đối sánh; làm sạch thông tin nhân thân liệt sĩ và tạo lập kho dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hy vọng rằng sau khi ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ được tạo lập, với sự tận tâm của các ngành, các đơn vị tham gia thực hiện, sự chính xác của khoa học, nhiều anh hùng liệt sĩ sẽ được xác định danh tính, được người thân đón về quê hương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Pháp luật 19/09/2024

(ANTV) - Sáng nay, TAND TP HCM tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo đó, bà Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm bị xét xử về các tội Rửa tiền, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc rửa tiền với số tiền 445.000 tỉ đồng, vận chuyển 4,5 tỉ USD và lừa đảo 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt của các bị hại hơn 30.000 tỉ đồng.

Giao thông một số nơi trong tỉnh Quảng Trị bị chia cắt

Giao thông một số nơi trong tỉnh Quảng Trị bị chia cắt

Xã hội 19/09/2024

(ANTV) - Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đang có mưa to, lượng mưa phổ biến từ 80-140mm, một số nơi ở huyện miền núi Đakrông cao hơn như: La Tó 223mm, Tà Long 195,8mm, Ba Nang 152,8mm. Mưa lớn làm giao thông ở một số nơi thuộc 02 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa bị chia cắt do các ngầm tràn bị ngập.

Việt Nam - Trung Quốc hợp tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép

Việt Nam - Trung Quốc hợp tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép

Chính trị 19/09/2024

(ANTV) - Ngày 19/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và Cục Quản lý di dân quốc gia Trung Quốc tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch triển khai cao điểm phối hợp phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép Việt Nam - Trung Quốc. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả công tác hợp tác của hai Bên sau một năm thực hiện kế hoạch; thảo luận thống nhất nội dung hợp tác trong những năm tiếp theo.

Xem thêm