Thứ Bảy, 27/07/2024 06:50 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Điểm tin

Tin tức nổi bật ngày 18/5

BT

(ANTV) - Hàng loạt vụ ngộ độc tập thể liên tiếp, trách nhiệm thuộc về ai; Làm sao hạ giá vé máy bay?; Doanh nghiệp Việt thâu tóm đối tác ngoại; Chuyển đổi số giúp nông dân bán nông sản ngay tại vườn...là một số tin tức nổi bật trên các số báo ra ngày hôm nay.

Hàng loạt vụ ngộ độc tập thể liên tiếp, trách nhiệm thuộc về ai

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, cả nước xảy ra liên tiếp 5 vụ ngộ độc tập thể với hơn 1.000 người phải nhập viện. Liên quan đến vấn đề này, báo Công an nhân dân có bài viết “Hàng loạt vụ ngộ độc tập thể liên tiếp, trách nhiệm thuộc về ai?”.

Theo nhiều chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng nhưng hay bị bỏ sót, đó là người chế biến không được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), sử dụng tay không bốc thức ăn; thiếu nước rửa bát đũa, thực phẩm để không đúng nơi quy định, nguồn gốc thực phẩm không được kiểm soát… Ngoài ra, việc phân cấp kiểm tra ATTP cho các quận, huyện, xã, phường nhưng vẫn kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” khiến vi phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời. Để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, bên cạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Bởi lĩnh vực ATTP không chỉ riêng của Bộ Y tế, mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và UBND các tỉnh đều phải vào cuộc.

Làm sao hạ giá vé máy bay?

Báo Tiền phong có bài “Làm sao hạ giá vé máy bay?", trước thực trạng giá vé máy bay chặng nội địa luôn neo ở mức cao, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân và ngành du lịch thời gian vừa qua.

Đại diện một số hãng bay thừa nhận, giá vé máy bay có tăng nhưng so với giá trần mà Chính phủ quy định thì không hề vượt, thậm chí còn dưới mức giá trần rất nhiều. Nguyên nhân tăng giá vé là do chi phí thuê máy bay, bảo dưỡng máy bay và giá nhiên liệu tăng tăng. Để giảm giá vé máy bay về mức hợp lý, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay, tăng năng lực điều hành khai thác tại các cảng hàng không. Từ đó giảm thời gian quay đầu của các chuyến bay, tăng tần suất, tăng năng lực vận hành khai thác. Quan trọng nhất để giảm giá vé là cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào.

Doanh nghiệp Việt thâu tóm đối tác ngoại

Các doanh nghiệp nội địa có tiềm lực đang mở rộng đầu tư ra nước ngoài hoặc mua lại doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động.

Theo báo Người lao động, đây không còn là chuyện hiếm. Bởi trước khi làn sóng doanh nghiệp nội thâu tóm doanh nghiệp ngoại ngay tại Việt Nam xuất hiện, nhiều "đại gia" trong nước như FPT, Masan, Vinamilk, REE, Nutifood… đã thực hiện một loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) thành công bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Các thương vụ này, giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tăng hội nhập sâu rộng. Ngoài ra, thông qua các hoạt động này, doanh nghiệp tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến của nước ngoài… để đi nhanh, đi xa hơn.

Chuyển đổi số giúp nông dân bán nông sản ngay tại vườn

Chuyển đổi số đã góp phần đưa “chợ” về vườn, đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng… Nhờ đó đã giúp gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.

Theo báo Đại đoàn kết, tính đến hết tháng 4/2024 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử có uy tín và đạt doanh số bán hàng khá cao. Kết quả này cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp. Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí từ 7-25%. Quan trọng hơn, khi Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, nếu doanh nghiệp ứng dụng số, chuyển đổi số sớm trong vận hành sản xuất, quản lý doanh nghiệp thì sẽ vượt qua được các "hàng rào" về thuế và tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường.

Rút giấy phép cơ sở mua bán vàng không xuất hóa đơn điện tử

Trong các nhiệm vụ, giải pháp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban ngành liên quan kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng. Đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép. Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.Các cơ quan, trong đó có Bộ Công an tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm liên quan buôn lậu, găm hàng, đội giá, không tuân thủ pháp luật.

Từ tháng 8/2024, 7 trường hợp sẽ phải đánh lại số nhà

Tại dự thảo Thông tư quy định đánh số và gắn biển số nhà dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2024 và thay thế cho Quyết định 05/2006, Bộ Xây dựng yêu cầu 7 trường hợp sẽ phải đánh lại số nhà. Đơn cử: Các tuyến giao thông đã đánh số nhà nhưng phát sinh nhiều nhà xây mới hoặc tồn tại nhiều số nhà tự phát; Các tuyến giao thông đã đặt tên và đánh số nhà nhưng được mở rộng, cải tạo, số nhà cũ đã giải phóng mặt bằng; các ngõ được mở rộng thành đường, phố và được đặt tên; Các tuyến đường, phố đã đánh số nhà nhưng được mở nối dài từ phía đầu đường mà phần nối dài đó không được đặt tên đường, phố mới; Các nhà chung cư sử dụng số căn hộ trái nguyên tắc đánh số quy định tại Thông tư này.

TP.HCM sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý 37 dự án nhà ở xã hội

Theo chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, TP dự kiến phát triển khoảng 69.700 đến 93.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là khoảng 26.200-35.000 căn, giai đoạn 2026-2030 khoảng 43.500-58.000 căn. Kết quả thực hiện từ năm 2021 đến quý I-2024, TP đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng ba dự án với quy mô 865 căn hộ. Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý 37 dự án nhà ở xã hội (trong đó có các dự án đang thi công) với quy mô khoảng 35.000 căn, đảm bảo các điều kiện để triển khai thi công xây dựng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Phát hiện kho hàng nghi giả mạo nhãn hiệu

Phát hiện kho hàng nghi giả mạo nhãn hiệu

Kinh tế 26/07/2024

(ANTV) - Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang vừa phát hiện một kho hàng cất giấu số lượng lớn hàng hóa nghi giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Giá vé máy bay có dấu hiệu tăng trở lại

Giá vé máy bay có dấu hiệu tăng trở lại

Kinh tế 26/07/2024

(ANTV) - Sau khi hạ nhiệt vào tháng 6, giá vé máy bay có dấu hiệu tăng trở lại khi mùa du lịch bước vào thời điểm sôi động. Ở nhiều chặng, giá vé tăng đến hơn 2 triệu đồng/vé, khiến không ít hành khách hủy vé, chuyển sang đi du lịch bằng phương tiện khác với điểm đến ngắn hơn.

Quản lý thị trường TP.HCM liên tục phát hiện hàng hóa nhập lậu

Quản lý thị trường TP.HCM liên tục phát hiện hàng hóa nhập lậu

Kinh tế 26/07/2024

(ANTV) - Trong thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM đã liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bao gồm các mặt hàng nhập lậu và hàng giả. Các mặt hàng bị phát hiện thường là nước hoa, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thuốc tân dược và thực phẩm chức năng, đều thiếu hóa đơn chứng từ và nguồn gốc xuất xứ.

Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn

Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn

Kinh tế 26/07/2024

(ANTV) - Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực làm mới, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng hóa các sự kiện định kỳ và thường xuyên để nâng cao trải nghiệm cho du khách. Trong đó, sản phẩm du lịch y tế được chú trọng đầu tư để từng bước hoàn thiện, nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chính trị 26/07/2024

(ANTV) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi là mất mát rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đến 12h ngày hôm nay 26/7 có hơn 5.600 Đoàn (với hơn 252.000 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các Đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Xem thêm