(ANTV) - Bạo lực học đường – vấn đề này đã diễn ra trong một thời gian dài và đang là nỗi trăn trở của mỗi gia đình và toàn xã hội. Những vụ việc bạo lực học đường liên tiếp xảy ra thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về chuẩn mực, đạo đức học đường. Hậu quả của bạo lực học đường không chỉ nằm ở vết thương trên cơ thể mà còn gây ra những tổn thương khác về mặt tinh thần; học hành sa sút; khủng hoảng quan hệ xã hội. Đó là những tác hại nguy hiểm mà chúng ta cần phải nhìn nhận.
Theo thống kê của Bộ giáo dục và Đào tạo, trong một năm học, trung bình toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì lại có 1 trường có học sinh đánh nhau.
Đó là những con số đáng báo động. Các vụ bạo lực học đường xuất hiện trên mạng xã hội hay trên báo chí có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì chỉ khi nạn nhân lên tiếng hoặc xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì mới chúng ta mới có thể phát hiện và ghi nhận được các trường hợp bị bạo lực.
Trong bạo lực học đường, đôi khi “kẻ đi bắt nạt” cũng là “nạn nhân”. Một người từng trải qua bạo lực, là nạn nhân trong quá khứ cũng có thể sẽ mang theo những phẫn uất, căm hận của mình đến với thực tại và lựa chọn cách trút lên những người thiếu khả năng chống trả để xả đi những phẫn nộ mình đang mang.
Tình trạng bạo lực học đường sẽ đi về đâu trong khi nhiều cha mẹ mải mê kiếm tiền, thầy cô chỉ lo chạy đua hết kiến thức, học sinh chẳng biết bám víu vào ai khi bị bạo lực học đường. Một bài toán khó về việc “dành thời gian cho sự thấu hiểu con trẻ”.
Chưa bao giờ tình trạng bạo lực học đường lại là hồi chuông cảnh báo, là vấn đề "nóng" nhận được sự quan tâm nhiều như vậy của dư luận xã hội. Tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang đặt ra cho cả xã hội những câu hỏi lớn: Bạo lực học đường đến từ đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Chúng ta đã có biện pháp gì để bảo vệ các em học sinh khỏi những hành vi bạo lực học đường?
Hướng tới mục tiêu giúp trẻ em được hưởng các quyền cơ bản; tham gia ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em, trong đó có Quyền được bảo vệ ở trẻ. Đại hội đại biểu Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam lần thứ IV được tổ chức vào ngày 1/12 mới đây đã triển khai nhiều hoạt động có sự đổi mới sáng tạo về công tác hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trước các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho trẻ về Quyền được bảo vệ.
Bạo lực học đường đã không còn là câu chuyện của riêng ai. Bất cứ lúc nào, con em của chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực hoặc kẻ gây ra bạo lực học đường. Đã đến lúc cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ. Bởi đó là điều cốt lõi để tạo dựng một môi trường không có bạo lực, một xã hội văn minh văn hóa.