(ANTV) - Việc Trung Quốc mở biên giới là tín hiệu tích cực cho hoạt động lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics, tạo điều kiện để các ngành hàng của Việt Nam như nông thủy sản, chăn nuôi rộng đường xuất khẩu vào nước này. Hiện các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã sẵn sàng cho việc nối lại hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường này.
Năm 2019, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,43 tỷ USD. Tuy nhiên, khi dịch covid-19 xảy ra, xuất khẩu rau quả sang thị trường này bị ảnh hưởng và sụt giảm. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan ước tính, 11 tháng năm 2022 kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ vào khoảng 1,37 tỷ USD và cả năm là 1.5 tỷ USD. Chính vì vậy, ngay khi đất nước tỷ dân này có động thái tuyên bố chính thức mở cửa biên giới vào ngày 8/1/2023 vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phấn khởi và kỳ vọng.
Cùng với rau quả, việc Trung Quốc mở cửa cũng là điểm sáng hỗ trợ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang tiếp tục diễn ra ở nhiều nước châu Âu thì việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo đà cho xuất khẩu thủy sản.
Bởi khi kênh nhà hàng phục hồi, xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ theo đó phục hồi. Sức tiêu thụ của một đất nước hơn 1 tỷ dân sẽ không thể được đáp ứng kịp bằng nguồn cung trong nước đã bị gián đoạn và hạn chế trong mấy năm qua vì chính sách Zero – COVID. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Tương tự với ngành gạo, số liệu thống kê cho thấy giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc hiện chiếm khoảng 12% tổng giá trị xuất khẩu gạo. Vì vậy, với việc Trung Quốc mở cửa cũng đồng nghĩa là nhu cầu về gạo sẽ tăng lên.
Mặc dù những cơ hội là hiện hữu, song theo các chuyên gia, thị trường Trung Quốc cũng đã có nhiều thay đổi tiệm cận với các thị trường trung cũng như cao cấp. Do đó các doanh nghiệp cần theo sát diễn biến từ thị trường Trung Quốc để có thể kịp thời nắm bắt và thực hiện các quy định, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nguồn gốc rõ ràng, thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc.