(ANTV) - Theo quy định hiện hành, tất cả xe khách bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera ghi hình buồng lái và truyền dữ liệu trực tuyến về cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, khi đã có dữ liệu này, việc thống kê của cơ quan quản lý lại phải thực hiện thủ công, dẫn tới quản lý dữ liệu chưa hiệu quả, không kịp thời ngăn chặn vi phạm. Do đó, thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ TNGT thương tâm cướp đi mạng sống nhiều người.
Thực tế cho thấy, vi phạm về tốc độ là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Và đây cũng là lỗi vi phạm chủ yếu được phát hiện qua thiết bị giám sát hành trình của xe kinh doanh vận tải. Thế nhưng dường như các chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. Dẫn đến việc các vi phạm vẫn cứ tái diễn như cơm bữa.
Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe khách của Công ty TNHH Thành Bưởi gây ra ngày 30/9 vừa qua khiến 5 người chết và 5 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế điều khiển ngược chiều và quá tốc độ tới 19km/h.
Lục lại hồ sơ, ít ai có thể hình dung được thành tích vi phạm khủng của phương tiện này: vượt quá tốc độ 321 lần trong tháng 5-2023, bị thu hồi phù hiệu. Tháng 6 cấp lại thì vi phạm tới 114 lần và lại bị tước phù hiệu. Đến tháng 7 thì giảm đôi chút với 61 lần. Và hệ quả của thành tích khủng khiếp đó đã để lại hệ quả cho những người tham gia giao thông khác.
Về lý thuyết, qua dữ liệu GSHT cơ quan quản lý hoàn toàn có thể biết, ngăn chặn và xử lý tất cả xe khách vi phạm về tốc độ, sai luồng tuyến, bỏ bến; hoặc xe hợp đồng chạy như tuyến cố định với lịch trình lặp lại liên tục. Tuy vậy, trên thực tế những vi phạm này thường được phát hiện qua việc lập chốt xử lý của lực lượng CSGT.
Anh Đào Văn Khánh, tỉnh Hưng Yên: "Thường thường thì nhà xe cũng tiện đâu thì đón đây thôi. Nói chung là điểm đón trong bến xe cũng không thuận tiện lắm, không thuận tiện cho cả nhà xe và các hành khách."
Lái xe Nguyễn Văn Tiến, tỉnh Bắc Kạn: "Không vội gì cả vì xe mình là xe tuyến thôi. Hôm nay thật sự là do đi theo cảm giác, thấy đường vắng nên cứ đi thôi chứ bình thường thì vẫn để ý tốc độ."
Thống kê của Cục Đường bộ, Bộ GTVT cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, qua dữ liệu GSHT, Sở GTVT các địa phương đã xử lý thu hồi phù hiệu của hơn 469 nghìn phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên (tính trên 1.000km lưu thông).
Qua các con số thì thấy các vi phạm của xe khách là rất phổ biến nhưng việc xử lý lại chưa thấy sự hiệu quả. Bởi cứ vi phạm là lại xin cấp lại. Do đó, tình trạng cứ lặp đi lặp lại theo thời gian. Và một thực tế khiến mỗi chúng ta phải giật mình đó là các vụ TNGT nghiêm trọng thời gian gần đây thì đa số phương tiện đều vi phạm liên quan đến chạy quá tốc độ.
Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý phương tiện, Sở Giao thông vận tải Hà Nội: "Hiện nay việc thu hồi phù hiệu xe vi phạm tốc độ là thu hồi không thời hạn. Như vậy khi doanh nghiệp nộp phù hiệu cho Sở giao thông xong và báo cáo đã khắc phục xong thì người ta hoàn toàn có quyền làm các thủ tục để được cấp lại. Thời gian để làm thủ tục hành chính đấy chỉ trong vòng 2 ngày."
Như vậy dù được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng các xe vi phạm về tốc độ chỉ sau vài ngày bị thu hồi phù hiệu lại có thể tiếp tục được hoạt động. Để tránh tình trạng các nhà xe nhờn luật, dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 10 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã đưa ra qui định ngặt nghèo hơn. Theo đó tùy theo mức độ các xe vi phạm chỉ được xem xét cấp lại phù hiệu sau 30 đến 60 ngày. Đặc biệt trong dự thảo này cũng đưa ra hướng xử lý với lái xe vi phạm.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải: "Bộ Giao thông vận tải đã có chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Trung tâm công nghệ thông tin là phải lập 63 tài khoản để cung cấp cho cảnh sát giao thông của 63 tình thành đồng tời cung cấp 1 tài khoản cho Cục Cảnh sát giao thông để chuyển tải thông tin dữ liệu đặc biệt là dữ liệu về vi phạm tốc độ trên các thiết bị giám sát hành trình để có thể xử lý vi phạm Kkp thời."
Để có thể sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình làm căn cứ xử lý vi phạm cũng cần tạo hành lang pháp lý. Cụ thể bổ sung thiết bị này vào danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông.
Điều này không phải là quá khó bởi thiết bị giám sát hành trình lắp cho xe kinh doanh vận tải đều phải đảm bảo theo qui chuẩn được Bộ Giao thông vận tải đưa ra. Do vậy qui định mới được ban hành càng sớm thì sẽ càng nhanh chóng khắc phục tình trạng lặp đi lặp lại lỗi vi phạm tốc độ gây nguy cơ mất an toàn giao thông của doanh nghiệp hay các lái xe kinh doanh vận tải.