Những cái chết mang tên “lá ngón” thường đến bất thình lình từ những mâu thuẫn vụn vặn và là nỗi ám ảnh đối với các bản làng vùng cao của tỉnh Lai Châu. Yêu nhau mà bị ngăn cấm là tìm đến lá ngón; vợ chồng giận nhau, cãi nhau cũng tìm đến lá ngón; kinh tế khó khăn cũng tìm đến lá ngón; bố mẹ không cho đi xem phim, không cho đi chơi chợ hay không cho lấy vợ cũng tìm đến lá ngón. Thậm chí, không may để trâu đi lạc cũng tìm đến lá ngón.... Vì sao, người ta lại dễ dàng kết thúc cuộc đời mình bằng một nắm lá ngón như vậy?
Có đến hơn 53% các trường hợp tự tử bằng lá ngón rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo; hơn 25% thuộc hộ cận nghèo và không có trường hợp tự tử nào rơi vào hộ khá giả hoặc giàu có. Nghiên cứu về nạn tự tử ở Lai Châu trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 6-2018 của Thiếu tá Hà Thái Hoàn- Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự cũng chỉ ra rằng gần 80% nạn nhân tự tử bằng lá ngón là mù chữ hoặc chỉ học hết tiểu học, chỉ có 1/223 trường hợp tử vong có trình độ cao đẳng. Những con số này cho thấy, nghèo đói và trình độ học vấn thấp là yếu tố căn bản, sâu xa tác động đến hành vi tự tử của nhiều đồng bào dân tộc. Trên thực tế, một số người sẵn sàng kết thúc những uẩn ức, buồn chán hay mâu thuẫn… bằng hành vi tự tử. Như chỉ vì những bực tức sau khi ngã xe lại bị anh trai là Giàng Chỉnh Mình nói, Giàng A Sang ở bản Mù Sang, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ đã ra sau nhà ăn lá ngón tự tử dù được mọi người can ngăn. Hay như chiều ngày 16-3-2017, 4 học sinh nam, dân tộc Mông ở Trường Tiểu học bán trú Sin Suối Hồ II, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu vì ăn lá ngón. Nguyên nhân là các cháu không thích đi học, nhưng bố mẹ bắt đến trường nên các cháu nảy sinh buồn chán, tìm lá ngón ăn tự tử: “Qua thực tế điều tra các vụ án mạng liên quan đến tự tử bằng lá ngón có muôn ngàn lý do nhưng tựu trung lại tất cả nó đều xuất phát từ những lý do đơn giản đến khó hiểu. Yêu nhau mà bị ngăn cấm là tìm đến lá ngón; vợ chồng giận nhau, cãi nhau cũng tìm đến lá ngón; kinh tế khó khăn cũng tìm đến lá ngón; bố mẹ không cho đi xem phim, không cho đi chơi chợ hay không cho lấy vợ cũng tìm đến lá ngón. Thậm chí, đi giữ trâu không may để lạc chưa tìm được cũng tìm đến lá ngón....”.
Mâu thuẫn không giải quyết được là tự tử, cãi vã bực tức lên là tự tử, thậm chí chỉ một câu nói không hài lòng cũng khiến một số người quyên sinh bằng nắm lá ngón chưa kể những trường hợp bi quan, chán nản cũng tìm đến cái chết. Có muôn vàn lý do thậm chí cả những lý do không ngờ tới, những nguyên nhân hết sức “ trời ơi” cũng có thể dẫn đến hành vi tự tử bằng lá ngón. Như ngày 3-6-2018, tại bản Nậm Manh, xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu xảy ra vụ việc 2 bố con ăn lá ngón tự tử. Nguyên nhân được xác định là do ông Quàng Văn Chơ (SN 1965) thường xuyên rượu chè bê tha. Mỗi lần say xỉn, người đàn ông này lại về nhà chửi bới, đánh đập vợ là bà Lý Thị Nơi. Nhiều lần chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ, Quàng Văn Chanh (SN 2000) đã góp ý nhưng ông Chơ đều bỏ ngoài tai. Do không thể khuyên được bố ngừng đánh đập mẹ, Chanh đã đi hái lá ngón về nhà ăn. Chứng kiến cảnh con trai đau đớn vì trúng độc, ông Chơ vô cùng sợ hãi nên cũng ăn lá ngón để tìm tới cái chết. Hay như trường hợp của gia đình anh Hảng Chá Ph. ở bản Háng Lìa, huyện Sìn Hồ. Lấy nhau gần hai chục năm, vợ chồng anh Ph luôn hòa thuận, ít xảy ra điều tiếng, các con ngoan ngoãn vâng lời bố mẹ. Vậy mà, một hôm, sau khi đi thăm người thân ở bản Pu Chu Phìn (xã Tủa Sín Chải), trên đường về, chị B. muốn chồng cùng xuống trung tâm xã mua sắm nhưng anh Ph. vì mệt không muốn đi nên hai người xảy ra cãi vã. Về đến nhà, anh Ph. không thấy vợ nấu cơm, có trách mắng chị B. vài lời. Không ngờ chị B. đã tìm đến lá ngón để “kết thúc” cuộc đời vì cho rằng chồng không tôn trọng mình. Mỗi năm cấp cứu đến vài trường hợp tự tử vì lá ngón, ông Nguyễn Hồng Quang- Trạm trưởng Trạm y tế xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn cho biết: “Việc tự tử bằng lá ngón có từ rất lâu rồi, dân khi có mâu thuẫn, mâu thuẫn gia đình, cá nhân đều tìm đến lá ngón. Mỗi năm trung bình trên địa bàn xã có khoảng 10 vụ tự tử bằng lá ngón”.
Có tiếng là nơi nhiều người tự tử vì lá ngón, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xã Pú Đao đã xảy ra 33 vụ tự tử bằng lá ngón. Chỉ tính riêng trong năm 2018, xã có 5 trường hợp ăn lá ngón tự tử. Những vụ việc tự tử bằng lá ngón ở xã Pú Đao, cũng như các bản vùng cao ở Lai Châu từ trước tới nay đều phát sinh từ các mâu thuẫn như thiếu thốn kinh tế, ghen tuông, mâu thuẫn giữa các cá nhân trong gia đình. Lo ngại hơn là gần đây các vụ việc tự tử xuất hiện nhiều ở lứa tuổi vị thành niên, trong đó có cả học sinh tiểu học với những lý do rất đơn giản như: giận bạn, bố mẹ mắng, không muốn đi học...
Một đặc điểm cơ bản, nổi bật của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu là “ dễ tin, dễ ngờ”. Họ thật thà, ngay thẳng, lòng tự trọng dân tộc cao song khi bị oan uổng hoặc không đạt mục đích, bức xúc, họ sẵn sàng tìm đến cái chết để minh chứng cho bản chất tốt đẹp của mình. Bên cạnh đó, ở một số bản vùng cao người Mông còn quan niệm lạc hậu cho rằng người chết sẽ là loài cây cỏ, con chim, chết sẽ được làm thần linh, đấng siêu nhiên nào đó, được tự do hạnh phúc và sung sướng. Thiếu tá Hà Thái Hoàn- Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho rằng: “Đối tượng trong những vụ tự tử này thường là đồng bào dân tộc thiểu số có nhận thức còn hạn chế. Đặc điểm của họ là có tính cách bộc trực, thẳng thắn, lòng tự trọng cao. Chính vì vậy, chỉ vì những mâu thuẫn rất đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày trong gia đình giữa vợ - chồng, anh - em, con cái - bố mẹ; mâu thuẫn trong quan hệ xã hội như tình ái, tranh chấp nguồn nước, nương rẫy...dẫn đến tranh cãi. Từ những mâu thuẫn nhỏ, không giải quyết được dẫn tới việc tìm đến lá ngón để giải quyết”.
Lê Dung