Thứ Năm, 02/05/2024 22:37 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Thế giới

Tự chủ chiến lược – chặng đường dài của EU

BT

(ANTV) - “Tự chủ chiến lược” là một khái niệm được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần kêu gọi châu Âu cần hướng đến. Thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Pháp thường xuyên nhấn mạnh chủ đề này trong các tuyên bố của mình. Chuyến thăm hai ngày tới Hà Lan vừa qua của ông Macron cũng gây chú ý, một phần vì bài diễn văn quan trọng của ông về nỗ lực “tự chủ chiến lược của châu Âu” tại thành phố La Hay.

Trong bài phát biểu tại La Hay, Hà Lan ngày 11/4, Tổng thống Emmanuel Macron phác thảo tầm nhìn về tương lai châu Âu với sự tự chủ về kinh tế và công nghiệp dựa trên 5 trụ cột: khả năng cạnh tranh, chính sách công nghiệp, chủ nghĩa bảo hộ, cơ chế “có qua có lại” và thúc đẩy hợp tác.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ: Chúng ta cần tự chủ trong việc lựa chọn đối tác và định hình vận mệnh của châu lục, thay vì chỉ là những chứng nhân đơn thuần cho sự phát triển như vũ bão của thế giới. Chúng ta sẽ làm được điều này với một tinh thần cởi mở và luôn sẵn sàng chào đón những cái bắt tay phù hợp.

Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ Les Echos sau chuyến thăm Trung Quốc, ông Macron kêu gọi châu Âu phải trở thành cực quyền lực thứ 3 trên thế giới, xác lập vị thế cân bằng với Mỹ và Trung Quốc, thay vì bị cuốn vào các cuộc khủng hoảng bên ngoài và tránh phải thích ứng với chính sách của Mỹ hay phản ứng của Trung Quốc. Rõ ràng, ông Macron đang cố gắng xác lập “con đường thứ 3” của châu Âu. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) cần phải hướng đến việc tự đưa ra quyết định chứ không phải tuân theo các luật lệ do bên khác đưa ra.

Nhà báo Nguyễn Đại Phượng, Chuyên gia bình luận quốc tế nêu quan điểm: Về mặt an ninh quốc phòng, chúng ta thấy rõ rằng trong thời gian vừa qua châu Âu bộc lộ rõ điểm yếu của mình là châu Âu chưa sẵn sàng cho việc bảo vệ chính khối này, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Về kinh tế, sau đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine, giữa áp lực của Mỹ đòi hỏi áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, giảm phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga thì châu Âu mới nhận thấy hóa ra châu Âu bị hụt hẫng rất nhiều về mặt kinh tế, giờ đây cần tìm con đường tự chủ về kinh tế.

Về vấn đề ngoại giao địa chính trị, châu Âu cần thận trọng để tránh rơi vào bẫy chọn phe (ví dụ trong vấn đề Đài Loan chọn Mỹ hay Trung Quốc). Một trụ cột nữa là đoàn kết nội khối, các nước phải bình đẳng, hoạt động thành một khối thống nhất. Một điểm nữa là tổng thống Macron muốn thúc đẩy châu Âu trở thành một cực trong một thế giới đa cực mà có 3 cực chính (liên minh Nga-Trung, Mỹ và EU).

Tự chủ chiến lược là khái niệm không mới trong chính sách đối ngoại của Pháp nói chung và của Tổng thống Macron nói riêng. Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, ông Macron đã xác định tự chủ chiến lược của châu Âu là một trong những ưu tiên đối ngoại lớn nhất trong chính sách châu Âu của mình.

Nhìn rộng hơn trong quá khứ, “tự chủ” cũng là tư duy đối ngoại chủ đạo của nước Pháp từ thời Tổng thống Charles De Gaulle khi ngay trong thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh, ông De Gaulle vẫn chủ trương xây dựng cho nước Pháp một sự “tự chủ tương đối” so với Mỹ. Một số học giả nhận định, việc ông Macron làm nóng chủ đề này ở thời điểm hiện tại là có chủ đích.

Theo nhà báo Nguyễn Đại Phượng, chuyên gia bình luận quốc tế: Nghị viện châu Âu được thành lập năm 1948 tại Hà Lan. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Nghị viện châu Âu, ông Macron đến thăm Hà Lan và có một cái cớ, điều kiện môi trường để phát biểu về “tự chủ chiến lược.” Thứ 2, ngay sau chuyến thăm của ông Macron đến Trung Quốc, ông nhận ra mâu thuẫn Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng và có nguy cơ không thể dung hòa được, châu Âu cần có thái độ trung lập. Lý do tiếp theo, trong vấn đề Ukraine đi theo phần lớn chính sách của Mỹ, từ cấm vận Nga, cung cấp vũ khí cho Ukraine trong khi châu Âu phải chịu thua thiệt thì Mỹ là bên hưởng lợi. Cho nên đây là thời điểm vấn đề tự chủ chiến lược cần được làm nóng lên, cần được nhấn mạnh.”

Các phát ngôn của Tổng thống Macron về vấn đề ‘tự chủ chiến lược’ ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều tại châu Âu. Bên cạnh những tiếng nói ủng hộ, các chính trị gia theo quan điểm thân Mỹ đã chỉ trích các phát biểu của ông Macron, thậm chí còn xem việc thảo luận về “tự chủ chiến lược của châu Âu” là một điều phi thực tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, tham vọng của Pháp rất lớn nhưng việc hiện thực hoá được tham vọng này hay không lại là một câu chuyện khác. Lý do chính là bởi hiện nội bộ châu Âu vẫn còn khá nhiều bất đồng và cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra vẫn gây ảnh hưởng lớn tới lục địa già.

Nêu quan điểm về tuyên bố của ông Macron, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh lập trường của Tổng thống Pháp phản ánh quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo châu Âu. Theo ông Charles Michel, đã có sự dịch chuyển trong vấn đề tự chủ chiến lược so với tình hình cách đây vài năm, rằng khối luôn ủng hộ việc thắt chặt và phát triển quan hệ với các bên, song không mù quáng chạy theo lập trường của bất kể bên nào.

Tuy nhiên, ngược lại với Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết “thay vì xây dựng tự chủ chiến lược với Mỹ, Ba Lan đề nghị xây dựng đối tác chiến lược với Mỹ”. Nhiều nước thành viên EU, đặc biệt là các nước vùng Baltic, Bắc Âu, Đông Âu, tỏ ra hoài nghi quan điểm của Tổng thống Macron. Những nước này vốn coi quan hệ với Mỹ là bất khả xâm phạm, đặc biệt là do vai trò quan trọng của Washington về hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga.

Nhà báo Nguyễn Đại Phượng cho biết: Quan điểm của Tổng thống Macron hiện nay mặc dù gây được sự chú ý nhưng để thực hiện nó là một vấn đề khó khăn. Thách thức lớn nhất là nằm tại nước Pháp, Pháp về mặt chính trị về mặt an ninh quốc phòng là hơn hẳn các nước còn lại ở châu Âu, nhưng Pháp lại không có đủ tiềm lực để khuynh loát, để che chở, để hỗ trợ cho các nước đồng minh, láng giềng của mình trong EU. Ngay trong lòng nước Pháp, người dân Pháp quan tâm đến lợi ích của chính họ hơn là vấn đề khu vực và thế giới.

Vấn đề nữa là số các quốc gia thân thiện với Mỹ, tuân theo các chính sách của Mỹ khá lớn trong khi số lượng ủng hộ quan điểm của Macron không phải là nhiều. Do đó theo tôi điều kiện chưa chín muồi để thực hiện tự chủ chiến lược, nhưng đây là một vấn đề rất hay, rất mới cần được nghiên cứu thêm để hiểu được những điểm tích cực trong cái gọi là tự chủ chiến lược của Macron.”

Có thể nói, “tự chủ chiến lược” là tầm nhìn táo bạo, quyết đoán của Tổng thống Emmanuel Macron về một châu Âu trong tương lai, qua đó cho thấy nhà lãnh đạo Pháp mong muốn Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ, qua đó trở thành thế lực cân bằng với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh thế giới phức tạp. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Macron sẽ gặp nhiều rào cản và thách thức và chắc chắn tự chủ chiến lược sẽ vẫn là một chặng đường dài đối với các quốc gia thành viên EU.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Tạm giữ 1.700 lít dầu D.O không có hoá đơn chứng từ

Tạm giữ 1.700 lít dầu D.O không có hoá đơn chứng từ

Kinh tế 02/05/2024

(ANTV) - Trong lúc tuần tra đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, BĐBP Quảng Ngãi đã phát hiện, tạm giữ 1.700 lít dầu D.O không có hóa đơn chứng từ do 2 công dân trên địa bàn mua bán, tàng trữ trái pháp luật.

Cả nước đón 8 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ

Cả nước đón 8 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ

Kinh tế 02/05/2024

(ANTV) - Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (từ ngày 27/4 đến ngày 1/5/2024), ngành du lịch nước ta ước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023 trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú. Đáng lưu ý, số lượng khách quốc tế vẫn có đà tăng trưởng tốt dù đã qua mùa cao điểm.

Tăng cường quản lý hàng hóa trên môi trường mạng

Tăng cường quản lý hàng hóa trên môi trường mạng

Kinh tế 02/05/2024

(ANTV) - Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, số lượng hàng hóa qua Thương mại điện tử của Việt Nam đứng top 4 so với các nước trong khu vực, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là thách thức đối với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp sản xuất. Khi trên môi trường mạng vẫn đang tràn lan hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ gây nhức nhối cho người tiêu dùng.

Ưu tiên nguồn nước cứu cây trồng ở Tây Nguyên

Ưu tiên nguồn nước cứu cây trồng ở Tây Nguyên

Kinh tế 02/05/2024

(ANTV) - Tây Nguyên đang trải qua những ngày của đỉnh điểm hạn hán. Không chỉ sản xuất, mà sinh hoạt của người dân ở đây cũng đã bị đảo lộn vì thiếu nước. Nhiều hộ dân chấp nhận mua nước giá cao từ nhiều tháng qua để có nước dùng. Tuy nhiên, vẫn phải ưu tiên cho cây trồng, bởi đời sống của họ phụ thuộc vào những vụ mùa nông sản.

Doanh nghiệp Việt đua nhau hướng đến "Net Zero"

Doanh nghiệp Việt đua nhau hướng đến "Net Zero"

Kinh tế 02/05/2024

(ANTV) - Sự phát triển của cụm công nghiệp trung hòa carbon không chỉ giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn mở ra cơ hội hợp tác kinh tế với tất cả các nhà đầu tư. Do đó, không chỉ nhà nước mà các doanh nghiệp cũng quyết định tham gia xây dựng cụm công nghiệp “Net Zero”.

Xem thêm