(ANTV) - Nước là tài nguyên quý giá, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nước ngày càng trầm trọng. Nước sạch đang ngày càng khan hiếm mà chất lượng nước suy giảm khiến nhiều người dân thủ đô sống trong tâm trạng bất an. Cũng như vấn đề ô nhiễm không khí, nước thải, người dân cần sự công khai, minh bạch của đơn vị cung cấp nước và cơ quan quản lý về chất lượng nước sinh hoạt sử dụng hàng ngày. Nguồn nước cấp cho cư dân Hà Nội còn đang thiếu hụt mỗi ngày.
Là 1 ngành kinh doanh đặc biệt khi cung cấp 1 sản phẩm thiết yếu, cần có 1 hạ tầng phân phối đặc thù và có chi phí đầu tư ban đầu lớn, kinh doanh nước sạch thường chỉ có một số đơn vị đủ điều kiện tham gia, từ đó hình thành nên sự độc quyền, được xã hội chấp nhận.
Tại Hà Nội, có 5 công ty nước sạch đang đảm nhận thị trường này gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco); Công ty CP nước mặt sông Đuống; và Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco). 2 công ty chiếm thị phần cao nhất là Hawaco (đáp ứng hơn 1 nửa nhu cầu nước sạch của thủ đô) và viwasupco cung cấp nước sạch cho khu vực phía tây Hà Nội.
Bởi tính đặc thù do phụ thuộc vào hạ tầng phân phối mà người dân không có sự lựa chọn giữa các đơn vị cung cấp nước mà sẽ mặc định sử dụng nước theo khu vực cung cấp.
Tuy vậy, qua một số sự cố về nước xảy đến với người dân thủ đô, có thể thấy người dân đang phải chịu ít nhiều sự thiệt thòi từ sự độc quyền cung cấp nước.
22 lần vỡ đường ống nước sông Đà xảy ra trong 6 năm, tiêu tốn 13,5 tỷ đồng (tính đến lần vỡ thứ 18) tiền khắc phục, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 170.000 hộ sử dụng với hơn 350 giờ ngừng cấp nước. Ở quy mô nhỏ hơn, tình trạng cắt nước, mất nước diễn ra phổ biến vào mùa cao điểm sử dụng nước tại những nơi tập trung đông dân cư như một số khu chung cư ở Hà Đông, khu đô thị Dương Nội.
Hay trong những sự cố liên quan đến chất lượng nguồn nước, người dân phải trực tiếp đi kiểm nghiệm chất lượng nước, cầu cứ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để có nguồn nước sạch sử dụng như sự cố nước nhiễm kim loại nặng tại khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Hoài Đức, Hà Nội) xảy ra năm 2018.
Dễ dàng nhận thấy, người dân là nhóm đối tượng duy nhất chịu ảnh hưởng trong mối quan hệ mua – bán với các công ty nước khi mà dù sự cố có ảnh hưởng đến hàng triệu dân thì giá cổ phiếu của các đơn vị này vẫn tăng ổn định.
Trong sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải lần này, người dân vẫn là đối tượng gánh chịu những thiệt thòi hơn cả.
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng cho biết: Có thể thấy, trong quy trình quản lý ở nhà nước với các công ty nước nhận thương quyền đang tồn tại một số vấn đề. Có thể thấy, hiện nay việc giám sát quản lý của nhà nước mới chỉ dừng lại ở kiểm soát về giá mà bỏ lỏng quản lý với chất lượng, tính ổn định của dịch vụ. Nói cách khác, thay vì mối quan hệ người mua – bán ở đây phải là các công ty nước sạch với nhà nước thì lại chuyển thành quan hệ mua bán trực tiếp giữa công ty nước và người dân. Điều này khiến người dân trở thành nhóm đối tượng chịu thiệt thòi và tổn thương.
Những sự cố về nước liên tiếp diễn ra đã phần nào cho thấy lỗ hổng lớn nhất chính là kiểm soát chất lượng nước, với trách nhiệm thuộc về đơn vị cung cấp nước dưới sự giám sát của nhà nước. Nguồn nước đầu vào từ các con sông bị bỏ ngỏ khi chưa xây dựng được hành lang bảo vệ trong khi chất lượng nguồn nước cung cấp đến người dân lại chưa có 1 đơn vị độc lập đứng ra đánh giá khiến người dân luôn trong trạng thái bị động mỗi khi sử dụng nước sạch.
Trong sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu thải, hệ thống kiểm soát chất lượng nước một lần nữa gặp sai phạm và bộc lộ điểm yếu chết người khi thừa nhận không kiểm soát được tình huống do con người cố tình gây ra. Điều này được chính Viwasupco thừa nhận trong thông báo xin lỗi được gửi đến khách hàng vào ngày 25/10/2019, tức là nửa tháng sau khi diễn ra sự cố.
Một lời xin lỗi muộn màng kèm theo là 1 tháng miễn phí tiền nước khó thể mang đến sự an tâm cho người dân trước một sự cố được đánh giá là tác động nghiêm trọng đến sức khoẻ người dùng. Với vô số những sự cố diễn ra liên quan tới chất lượng nguồn nước sạch được cung cấp, người dân cần một sự ràng buộc cao hơn về trách nhiệm để không còn những sự cố tương tự tái diễn.