(ANTV) - Dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế. Những tổ chức vì người tự kỷ và người bị bệnh Down cũng vì thế mà trở nên khó khăn hơn, khi các nguồn tài trợ bị cắt giảm mạnh.
Để có thể tiếp tục duy trì mái ấm cho những người kém may mắn, các tổ chức dành cho người tự kỷ ở Đài Loan (Trung Quốc) đã lên phương án hướng dẫn những thành viên đặc biệt cùng tham gia vào thị trường làm bánh Trung thu- một dịp lễ quan trọng của người dân Trung Quốc.
Quỹ Kanner của Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những tổ chức xã hội nổi bật hỗ trợ người trưởng thành mắc chứng tự kỷ, hay còn gọi là hội chứng Kanner. Tổ chức này giúp những thành viên của mình học những kỹ năng để có thể tự kiếm tiền nuôi bản thân, đó là nghề làm bánh và kẹo.
Ở một góc phòng, một giáo viên đang hướng dẫn các học viên đang đóng gói cà phê vào trong những hộp quà Trung Thu. Trong khi một nhóm học viên khác đang gói hạnh nhân vào bánh hoặc gấp hộp giấy đựng bánh.
Bà Chang Su-mei, Giám đốc điều hành quỹ Kanner cho biết: Hầu hết các học viên đều có khả năng học những kỹ năng cơ bản như mọi người bình thường. Tuy nhiên, điều khó khăn là khi các em không kiểm soát được cảm xúc, các em sẽ không thể làm việc.
Ở Đài Loan, cụm từ hội chứng Kanner đã được sử dụng phổ biến trong nhiều năm trở lại đây để thay thế cho hội chứng tự kỷ. Người mắc chứng tự kỷ thường có những khó khăn trong ngôn ngữ, hành vi và tri giác do hệ thần kinh bị tổn thương hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp.
Bà Peng Yu-yen, chủ tịch quỹ Kanner, cũng là người có con trai mắc chứng tự kỷ. Cậu con trai 39 tuổi của bà đang cố gắng thử làm bánh trung thu như mọi người.
Hồi năm 2004, bà cùng 3 phụ huynh khác cũng có con tự kỷ đã tự hứa với nhau, nếu ai trong số họ qua đời trước, thì người còn sống sẽ cùng chăm sóc những đứa trẻ còn lại. Đó cũng là lý do khiến quỹ Kanner ra đời, với mục đích giúp những người trưởng thành mắc chứng tự kỷ có thể tự lập và hòa nhập với cuộc sống.
Theo bà Pen Yu-yen, Chủ tịch quỹ Kanner: Khi chúng tôi già yếu, chúng tôi không thể gửi những đứa con mình vào các trung tâm dưỡng lão. Chúng không như những người bình thường khác, chúng tôi phải luôn ở bên cạnh các con. Từ đó, tôi thấy rằng cần phải giúp con mình tự lập.
Dịp Trung thu năm nay, những hộp bánh ra đời từ bàn tay của những người thợ mắc hội chứng Kanner cũng bị giảm 30% sức tiêu thụ, tuy nhiên điều này không làm họ thiếu quyết tâm làm việc.
Cũng tại Đài Loan (Trung Quốc), một tổ chức từ thiện khác đang bận rộn chuẩn bị những mẻ bánh Trung Thu cho khách hàng. Những thợ ở đây – tổ chức Kaohsiung- đều mắc hội chứng Down.
Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, những đầu bếp đặc biệt này cẩn thận, từ tốn đổ trứng vào máy và làm ra những chiếc bánh đẹp mắt không kém loại được bày bán ngoài cửa hàng.
Các nguồn ủng hộ cho hoạt động của tổ chức Kaohsiung cũng giảm mạnh do dịch COVID-19. Do đó, dịp Tết Trung thu là cơ hội để tổ chức này có thể tăng doanh thu nhờ những sản phẩm đặc biệt. Những hộp đựng bánh đã được chuẩn bị từ sớm, tuy nhiên, các sản phẩm như bánh trứng cuộn, bánh xốp... chỉ mới được làm khi lệnh giãn cách được nới lỏng. Tất cả các công đoạn để tạo ra một hộp bánh hoàn thiện tới tay khách hàng đều được làm bởi những người mắc hội chứng Down.
Bà Li Chia-hua, tổ chức những người mắc hội chứng Down Kaohsiung chia sẻ: Dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ và kiên trì của những giáo viên, các học viên có thể tự tay làm những chiếc bánh cuộn. Họ phải thực hiện đi thực hiện lại nhiều lần mới thành công. Hãy cho họ thử sức – họ có thể làm được những điều bất ngờ.
Với những tổ chức từ thiện như Kanner hay Kaohsiung, dịp Tết Trung Thu là cơ hội để những học viên của họ được thử sức và chứng minh năng lực với cộng đồng. Mong muốn của họ là những người mắc hội chứng đặc biệt về tâm thần có thể học tập, làm việc và hòa nhập với xã hội.