(ANTV) - Những ngày cuối năm 1978, những người lính tình nguyện Việt Nam bắt đầu cuộc chiến đấu giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Polpot - Khmer Đỏ. Ngày 07/01/1979, thủ đô PhnomPenh được giải phóng, đánh dấu ngày tàn của chế độ này.
Trong cuộc chiến tranh đó, đã có biết bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ đã hi sinh hay để lại 1 phần xương máu của mình nơi chiến trường. Chiến tranh biên giới Tây Nam đã lùi xa 40 năm, nhưng ký ức về những ngày tháng máu lửa vẫn còn nguyên vẹn đối với các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.
Dưới sự tàn bạo đó của tập đoàn diệt chủng Polpot và với tinh thần "giúp bạn là tự giúp mình" đã có hàng chục nghìn người lính trẻ Việt Nam như nhà báo Huy Thịnh hăng hái lên đường ra tiền tuyến chiến đấu bảo vệ biên cương tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.
Trong cuộc chiến ấy, có biết bao người con đã hy sinh một thời tuổi trẻ để bảo vệ nền hòa bình, độc lập. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường, còn người may mắn sống sót thì trên cơ thể đã hằn sâu những vết thương chiến tranh.
Tuy mang trên mình thương tật nhưng nhiều thương binh luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội cụ Hồ. Và Bộ đội cụ Hồ đã được nhân dân Campuchia biết ơn, trìu mến gọi là "Đội quân nhà Phật".
40 năm, thời gian không phải là ngắn với một đời người, nhưng chưa đủ để quên những tội ác diệt chủng. Biết bao quân tình nguyện Việt Nam đã phải nằm xuống vĩnh viễn để đất bạn Campuchia hồi sinh. Sự hy sinh này ghi đậm dấu ấn của tình bạn Việt Nam - Campuchia, là thành qủa của cuộc đấu tranh vì chính nghĩa để bảo vệ chủ quyền quốc gia và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.