Thứ Sáu, 02/05/2025 10:11 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Xã hội

Mùa xuân thống nhất

(ANTV) - Ngày 30/4/1975 được coi là biểu tượng của độc lập, hòa bình và đoàn tụ, vừa là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, vừa là mảnh ghép ký ức sống động trong trái tim của nhiều thế hệ người Việt. Hành trình thống nhất gian khổ, có những giọt mồ hôi đã rơi, những giọt nước mắt lăn dài, và có rất nhiều máu xương đã thấm đẫm vào từng tấc đất của quê hương. Bởi vậy, dẫu là ai, ở đâu, chỉ cần là người Việt Nam thì cảm xúc, ký ức về ngày thống nhất vẫn vẹn nguyên qua từng thế hệ.

Chiến trường luôn được miêu tả là ác liệt, nhưng phải trực tiếp tận mắt chứng kiến mới thấy hết được sự khốc liệt tột cùng ấy. Nhà báo trẻ Đậu Ngọc Đản, khi đó từ miền Bắc vào chiến trường, đã theo chân các đoàn xe tăng tiến về miền Nam trong điều kiện vô cùng gian khổ. Ông kể rằng, làm phóng viên chiến trường không hề đơn giản. Đó là hành trình của những ngày đêm bám sát các đơn vị chiến đấu, vừa tác nghiệp vừa phải đối mặt với hiểm nguy rình rập. Nhưng chính những năm tháng ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong sự nghiệp làm báo cách mạng gần 40 năm của ông.

Đến tận bây giờ, nhà báo Ngọc Đản vẫn không thể nào quên được ngày 30 tháng 4 năm 1975 – khoảnh khắc mà ông may mắn được chứng kiến tận mắt. Ông là một trong hai nhà báo đầu tiên của miền Bắc có mặt tại Dinh Độc Lập vào giây phút lịch sử. Ông kể, điều không thể nào quên trong sự nghiệp của mình là hình ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, cắm lá cờ giải phóng trên nóc dinh, và đặc biệt là giây phút Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. Trong không khí ấy, dù vẫn đang cầm máy ảnh ghi lại thời khắc lịch sử, ông vẫn chỉ muốn hòa mình vào dòng người trên đường phố Sài Gòn, cùng họ reo mừng trong niềm vui chiến thắng.

Trong cuộc kháng chiến gian nan và ác liệt ấy, không chỉ có những người lính nơi tiền tuyến mà còn có biết bao người ở hậu phương âm thầm góp sức. Có những cặp vợ chồng cách nhau cả nghìn cây số, người trong Nam, người ngoài Bắc, cùng chung một lý tưởng vì kháng chiến. Với họ, ngày đất nước được giải phóng là ngày đẹp nhất cuộc đời. Họ sẵn sàng gác lại tình yêu, tạm xa gia đình để dâng trọn trái tim cho Tổ quốc.

Bà Đặng Thị Ty ở xã Đan Phượng, TP Hà Nội nhớ lại, năm 1975, chồng bà vào Nam nhận nhiệm vụ, còn bà ở lại hậu phương, làm công tác trực chiến tại đập Phùng và tuyên truyền cổ động cho phong trào kháng chiến. Trong niềm vui vỡ òa của ngày 30 tháng 4, bà vẫn mang nặng nỗi lo khi suốt một năm không có tin tức từ chồng, không biết sau giải phóng liệu anh có còn sống trở về.

Ông Bùi Minh Tâm, chồng bà Ty, khi ấy là một trong những người lính trên đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Ông chia sẻ, ra đi để lại vợ trẻ và hai mẹ già, nhưng ông yên tâm vì biết rằng vợ mình là người mạnh mẽ và đảm đang. Họ bị cắt đứt liên lạc nhiều năm. Ngày 30 tháng 4 năm ấy, trong niềm hân hoan chiến thắng, ông và đồng đội ôm nhau ăn mừng, sau đó còn được lệnh sơn lại xe để chuẩn bị cho lễ duyệt binh vào ngày 15 tháng 5. Phải đến khi chiến sự kết thúc, ông mới có thể gửi thư và quà về nhà, mong một ngày đoàn tụ.

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước trọn niềm vui, non sông thống nhất sau bao năm chia cắt. Tại Hà Nội, thời khắc lịch sử năm ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của những người dân Thủ đô luôn hướng về miền Nam ruột thịt. Với họ, 30 tháng 4 năm 1975 không chỉ là một ký ức thiêng liêng, mà còn là hiện thực hóa của một khát vọng cháy bỏng – khát vọng độc lập, thống nhất, hòa bình và hạnh phúc.

Ông Nguyễn Tiến Thắng ở phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kể rằng, năm ấy ông vừa tròn 18 tuổi, chuẩn bị thi vào đại học. Khi nghe tin xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, cả khu phố vui mừng khôn xiết, ông chạy lên Bờ Hồ cùng rất nhiều người khác hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Không khí hôm ấy vừa sôi nổi, vừa xúc động đến nghẹn ngào.

Và đất nước hôm nay, nửa thế kỷ sau, vẫn rực rỡ cờ hoa như thời khắc ấy. Những con phố, những ngõ nhỏ tưng bừng trong niềm hân hoan, mang theo khát vọng dựng xây. Có trải qua những tháng năm gian khổ, mất mát, người ta mới càng trân trọng hơn giá trị của hòa bình. Bởi chiến thắng không phải là điểm kết thúc, mà là khởi đầu cho một hành trình mới – hành trình dựng xây đất nước, khẳng định niềm tin, và vươn mình vào kỷ nguyên phát triển.

Một người dân đã chia sẻ đầy chân thành rằng, điều mong mỏi lớn nhất là thế hệ trẻ hôm nay sẽ biết trân trọng hòa bình, ghi nhớ công lao của cha ông đi trước. Bởi sự phát triển hôm nay không tự nhiên mà có, và chỉ khi hiểu được giá trị ấy, người trẻ mới có thể tiếp bước và làm tròn sứ mệnh của mình – góp phần đưa đất nước đi xa hơn nữa trong thời đại mới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Hơn nửa triệu trẻ em châu Phi tử vong hằng năm do thiếu vaccine

Hơn nửa triệu trẻ em châu Phi tử vong hằng năm do thiếu vaccine

Thế giới 02/05/2025

(ANTV) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi đã cảnh báo tình trạng hàng triệu trẻ em trên khắp châu lục này không được tiếp cận với các loại vaccine quan trọng. Điều này khiến hơn 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong hằng năm bởi các bệnh có thể phòng ngừa.

Hành trình tìm lại thiện lương

Hành trình tìm lại thiện lương

Xã hội 02/05/2025

(ANTV) - Đặc xá không chỉ khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người lầm lỗi biết ăn năn hối cải, tu dưỡng trở thành người có ích cho xã hội. Với người phạm tội, đó còn là cơ hội trong hành trình tìm lại thiện lương. Nhận quyết định hôm nay chỉ là bước khởi đầu, họ sẽ cần nhiều lắm nỗ lực và sự bao dung của cộng đồng để thật sự bước sang trang mới của cuộc đời.

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Văn hóa 02/05/2025

(ANTV) - Những ngày này, hàng triệu người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đổ về TPHCM, tụ hội dưới lá cờ chung của dân tộc. Ở đây, trong từng ánh mắt, nụ cười, người ta thấy được sự niềm hân hoan, hạnh phúc khi được chứng kiến vẻ đẹp của hoà bình. Tình cảm quân dân giản dị mà sâu nặng và lòng biết ơn, tri ân đối với thế hệ đi trước đã viết nên trang sử vàng chói lọi. Tất cả đã đã tạo nên một không khí ấm áp, tự hào tại Thành phố mang tên Bác.

Gần 9.000 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý trong ngày 1/5

Gần 9.000 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý trong ngày 1/5

Xã hội 02/05/2025

(ANTV) - Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ, toàn quốc xảy ra 65 vụ, làm chết 28 người, bị thương 56 người. So với cùng kỳ năm 2024 giảm 10 vụ, giảm 2 người chết, tăng 6 người bị thương. Tất cả các vụ đều xảy ra trên đường bộ, đường sắt, đường thủy không xảy ra tai nạn.

Xem thêm