Văn hóa, với vai trò là kho tàng giá trị tinh hoa của dân tộc, không chỉ gìn giữ bản sắc mà còn là nguồn lực chiến lược đưa Việt Nam sánh vai cùng bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang vươn mình và nỗ lực hiện đại hóa, văn hóa đóng vai trò như một sức mạnh mềm, không chỉ kết nối nội lực dân tộc mà còn tạo ra một hình ảnh tích cực, thân thiện và giàu bản sắc với cộng đồng thế giới. Chính vì vậy, phát triển văn hóa song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội sẽ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để đất nước khẳng định vị thế và bản sắc của mình trong kỷ nguyên mới.
1. VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA - SỨC MẠNH MỀM TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Sức mạnh mềm từ văn hóa không chỉ giúp Việt Nam củng cố nội lực mà còn là công cụ hữu hiệu trong ngoại giao, góp phần xây dựng hình ảnh tích cực của đất nước trên trường quốc tế.
Khẳng định bản sắc dân tộc
Đảng và Nhà nước ta kiên trì mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa là yếu tố cốt lõi để tạo nên bản sắc dân tộc và là nền tảng giúp Việt Nam giữ vững giá trị riêng biệt của mình trong kỷ nguyên mới. Văn hóa không chỉ đơn thuần là các hình thức nghệ thuật, lễ hội, hay phong tục tập quán; nó còn là tổng hòa của những giá trị tinh thần, đạo đức, cách ứng xử, và tư duy của người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Chính những nét văn hóa độc đáo này đã tạo nên hình ảnh một Việt Nam kiên cường, đậm đà bản sắc, đồng thời là nền tảng tạo dựng niềm tự hào dân tộc.
Các yếu tố bản sắc văn hóa Việt Nam như tình yêu đất nước, lòng hiếu khách, tinh thần hiếu học, và sự linh hoạt trong hội nhập không chỉ tạo nên sự kết nối bền vững giữa các thế hệ người Việt Nam mà còn làm nên một hình ảnh độc đáo khi đất nước bước ra thế giới. Chẳng hạn, truyền thống uống trà, ăn Tết Nguyên Đán, hay các làn điệu dân ca quan họ, ví dặm… là những nét văn hóa quen thuộc và mang tính di sản mà khi nhắc đến, nhiều bạn bè quốc tế đều nhận ra đó là Việt Nam. Đây chính là điều giúp Việt Nam đứng vững, không bị hòa tan giữa sự đa dạng văn hóa toàn cầu.
Công cụ ngoại giao hiệu quả.
Văn hóa đã trở thành một công cụ ngoại giao hữu hiệu trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và gắn kết giữa các quốc gia. Khi toàn cầu hóa không chỉ còn giới hạn trong hợp tác kinh tế mà đã mở rộng đến trao đổi văn hóa, thì sức mạnh mềm từ văn hóa trở thành cầu nối để truyền tải thông điệp về một Việt Nam thân thiện, hòa bình và sẵn lòng hợp tác. Việt Nam đã ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa cũng như Chiến lược văn hóa đối ngoại như những chính sách, công cụ thúc đẩy hoạt động ngoại giao qua văn hóa. Các hoạt động văn hóa như Tuần lễ Văn hóa Việt Nam, các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, sự kiện quảng bá ẩm thực Việt Nam, hay tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật dân tộc tại nước ngoài là những ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của việc sử dụng văn hóa trong ngoại giao.
Qua văn hóa, bạn bè quốc tế có cơ hội tiếp xúc và hiểu rõ hơn về con người, lịch sử và truyền thống của Việt Nam. Điều này tạo nên sự đồng cảm, dễ dàng xóa tan những khoảng cách về ngôn ngữ, địa lý và giúp tạo thiện cảm đối với Việt Nam. Ví dụ, ẩm thực Việt Nam với phở, bún chả, gỏi cuốn hay bánh mì không chỉ là món ăn nổi tiếng mà còn trở thành biểu tượng văn hóa đại diện cho sự phong phú, tinh tế và sáng tạo của người Việt Nam. Nhờ vào các món ăn này, nhiều bạn bè quốc tế đã có cái nhìn thiện cảm hơn về văn hóa Việt Nam.
Thời đại số hóa cho phép các sản phẩm văn hóa Việt Nam, từ phim ảnh, âm nhạc đến các dự án nghệ thuật đương đại, được lan tỏa mạnh mẽ và nhanh chóng hơn. Các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Instagram, TikTok đã trở thành công cụ giúp lan truyền các nội dung văn hóa Việt Nam đến công chúng quốc tế một cách gần gũi và sinh động. Điều này góp phần xây dựng hình ảnh tích cực, tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa Việt Nam và các quốc gia khác.
Thúc đẩy tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc.
Văn hóa đóng vai trò kết nối cộng đồng, vun đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa đang tạo ra sự đa dạng về tư tưởng và giá trị. Năm 2024 cũng là kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói truyền cảm hứng cho cả dân tộc: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Truyền thống văn hóa lâu đời cùng những câu chuyện lịch sử hào hùng là nền tảng để nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người Việt Nam. Đối diện với những thay đổi và biến động từ làn sóng toàn cầu hóa, văn hóa như một sợi dây kết nối mọi tầng lớp trong xã hội, giúp mọi người cùng hướng đến một mục tiêu chung, đó là sự phát triển thịnh vượng của dân tộc.
Đối với người Việt xa xứ, văn hóa Việt Nam chính là cầu nối tâm linh và là biểu tượng của quê hương. Các lễ hội truyền thống, ngày Tết cổ truyền hay những món ăn đậm chất dân tộc không chỉ gắn bó người Việt trong nước mà còn là niềm tự hào và là cách thức để những người Việt xa quê giữ lại hình ảnh quê hương trong lòng. Những giá trị văn hóa này giúp củng cố tinh thần dân tộc, giúp mọi người cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương.
Trong thời đại hội nhập, việc nâng cao lòng tự hào dân tộc và sự đoàn kết là điều vô cùng quan trọng. Đoàn kết sẽ giúp tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của thời đại. Lòng tự hào dân tộc sẽ là nguồn động viên để người Việt Nam nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước. Đó là lý do tại sao các giá trị văn hóa dân tộc cần được phát huy mạnh mẽ và khắc sâu vào ý thức của mỗi người dân Việt Nam.
Văn hóa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Văn hóa còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những sản phẩm văn hóa có thể mang lại giá trị kinh tế lớn thông qua các ngành công nghiệp sáng tạo như du lịch văn hóa, điện ảnh, xuất bản, âm nhạc... Văn hóa đặc sắc của Việt Nam từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của bạn bè quốc tế, và ngành du lịch văn hóa chính là cầu nối hiệu quả để quảng bá những nét đẹp này, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho đất nước.
Các lễ hội truyền thống, di sản văn hóa như phố cổ Hội An, Huế, thánh địa Mỹ Sơn, hay các phong tục tập quán địa phương là những tài sản văn hóa vô giá, có thể được khai thác để phát triển du lịch. Bằng cách phát triển bền vững, những sản phẩm du lịch văn hóa này không chỉ bảo tồn được bản sắc mà còn tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy kinh tế cho cộng đồng địa phương. Điều này tạo ra mối liên kết giữa văn hóa và kinh tế, giúp nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển xã hội.
Ngoài ra, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn giúp Việt Nam tận dụng tiềm năng sáng tạo của người dân. Những ngành nghề như thiết kế, quảng cáo, truyền thông, công nghệ giải trí đều có thể mang lại nguồn thu nhập đáng kể và là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức. Các ngành công nghiệp văn hóa hiện đang được chú trọng phát triển với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế.
2. NHỮNG YẾU TỐ CẦN THIẾT ĐỂ PHÁT HUY SỨC MẠNH MỀM CỦA VĂN HÓA TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng để Việt Nam tăng cường vị thế và khẳng định bản sắc trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, cần tập trung vào các yếu tố chủ chốt sau:
Một là, xây dựng nền tảng thể chế và chính sách phù hợp với bối cảnh mới.
Một nền tảng thể chế và chính sách vững mạnh là cốt lõi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách để bảo vệ di sản văn hóa, đồng thời tạo động lực phát triển cho các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó cần bám sát vào bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 21/10/2024 yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Các quy định luật pháp phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách triệt để thủ tục hành chính. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, tạo khuôn khổ pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.
Hai là, đầu tư vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Nhà nước cần dành nguồn lực để bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Di sản này không chỉ là tài sản quốc gia mà còn là biểu tượng gắn kết cộng đồng và làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng. Các chương trình bảo tồn di sản văn hóa như các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca và các công trình kiến trúc cổ là một phần trong nỗ lực này. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đến việc nghiên cứu, lưu trữ và phục hồi những di sản có nguy cơ mai một.
Sự đầu tư này cũng cần được mở rộng sang các ngành công nghiệp văn hóa hiện đại, bao gồm điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, văn học và thiết kế. Những lĩnh vực này là phương tiện giúp truyền tải các giá trị văn hóa đến cộng đồng trong nước và quốc tế, từ đó nâng cao nhận thức về bản sắc văn hóa Việt Nam và thu hút sự quan tâm của người nước ngoài.
Đồng bào Pà Thẻn có một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo thể hiện ở các loại hình như kiến trúc, nhà cửa, trang phục, tiếng nói, ngữ văn dân gian, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, tập quán xã hội nghi lễ, lễ hội, tri thức dân gian…
Ba là, hỗ trợ các sáng kiến văn hóa sáng tạo.
Để văn hóa thực sự phát triển và phản ánh kịp thời xu hướng xã hội, Nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ các sáng kiến sáng tạo văn hóa. Các cơ chế khuyến khích như quỹ hỗ trợ sáng tạo văn hóa, giảm thuế cho các doanh nghiệp văn hóa, các chính sách bảo vệ bản quyền... sẽ giúp cho việc sáng tạo văn hóa trở nên khả thi hơn. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa mà còn khuyến khích các cá nhân và tổ chức đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài ra, cần tạo không gian để các ý tưởng sáng tạo văn hóa phát triển thông qua việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn hóa và sự kiện nghệ thuật. Những sự kiện này không chỉ là nơi để nghệ sĩ và các nhà sáng tạo thể hiện tài năng mà còn là cơ hội để quảng bá văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.
Bốn là, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức và cá nhân.
Sự phát triển bền vững của văn hóa không thể thiếu sự đóng góp của toàn xã hội, từ khu vực công đến khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng. Sự hợp tác công - tư sẽ tạo điều kiện để mở rộng nguồn lực, nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa và đảm bảo văn hóa có thể tiếp cận đến mọi tầng lớp trong xã hội.
Nhà nước nên tạo điều kiện để tư nhân có thể tham gia vào việc đầu tư phát triển văn hóa, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, xuất bản, du lịch văn hóa, nghệ thuật đương đại. Việc này có thể được thực hiện thông qua các chính sách khuyến khích như giảm thuế, cung cấp các khoản vay ưu đãi hay hỗ trợ quảng bá sản phẩm văn hóa. Sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân không chỉ tăng thêm nguồn lực mà còn mang đến những cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn trong việc phát triển và quảng bá văn hóa.
Một ví dụ điển hình là ngành du lịch văn hóa. Tư nhân có thể đầu tư vào việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, xây dựng các bảo tàng tư nhân hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa nhằm thu hút khách du lịch. Với sự hỗ trợ từ Nhà nước và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển thành công các sản phẩm du lịch văn hóa, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế vừa quảng bá hiệu quả giá trị văn hóa Việt Nam.
Các tổ chức văn hóa, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng đóng vai trò không thể thiếu trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Những tổ chức này thường là nơi khởi xướng các sáng kiến mang tính cộng đồng, như bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức các lễ hội địa phương hay giáo dục văn hóa cho thế hệ trẻ. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động sẽ giúp bảo vệ và phát huy văn hóa một cách bền vững và hiệu quả hơn.
Năm là, xây dựng văn hóa số.
Trong thời đại số hóa, việc ứng dụng công nghệ vào ngành văn hóa là yếu tố tiên quyết để nâng cao sức mạnh mềm và tầm ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam trên toàn thế giới. Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận mà còn mở ra các phương thức mới để quảng bá và bảo tồn văn hóa.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa số. Điều này bao gồm việc thu thập, lưu trữ và số hóa các di sản văn hóa quốc gia như tài liệu, hình ảnh, video và âm thanh, cũng như các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Cơ sở dữ liệu này sẽ là nguồn tài nguyên quý giá giúp giới thiệu văn hóa Việt Nam đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Việc số hóa cũng cho phép bảo vệ và truyền tải các giá trị văn hóa lâu dài, vượt qua mọi thách thức về thời gian và khoảng cách địa lý.
Các nền tảng trực tuyến như bảo tàng ảo, thư viện số, kênh phát sóng trực tuyến là những cách tiếp cận hiệu quả, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận văn hóa mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Các dự án số hóa di sản văn hóa như bảo tàng ảo về trang phục dân tộc, ứng dụng thực tế ảo cho phép tham quan các di sản nổi tiếng, hay cơ sở dữ liệu về các phong tục truyền thống có thể giúp quảng bá văn hóa Việt Nam một cách linh hoạt và sáng tạo.
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ trong các hoạt động văn hóa như triển lãm nghệ thuật, liên hoan phim, các sự kiện văn hóa trực tuyến. Với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, các buổi biểu diễn nghệ thuật, chương trình phát thanh, truyền hình có thể được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các giá trị văn hóa mà không cần đến trực tiếp.
Hơn nữa, các ứng dụng di động, website và nền tảng số cung cấp nội dung văn hóa Việt Nam cũng là những công cụ hiệu quả để giới thiệu và quảng bá văn hóa. Các ứng dụng này có thể cung cấp thông tin về lịch sử, nghệ thuật, ẩm thực, các phong tục truyền thống của Việt Nam, giúp mọi người dễ dàng khám phá văn hóa một cách thuận tiện. Đặc biệt, sự phát triển của các ứng dụng giáo dục trực tuyến về văn hóa sẽ giúp giới trẻ hiểu biết sâu hơn về các giá trị văn hóa của dân tộc.
3. THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT HUY SỨC MẠNH MỀM CỦA VĂN HÓA TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Trong kỷ nguyên mới, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Để vượt qua và biến chúng thành động lực phát triển, cần hiểu rõ các rào cản hiện tại và đề xuất giải pháp chiến lược nhằm bảo tồn và thúc đẩy bản sắc văn hóa Việt Nam.
Những thách thức cơ bản mà việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam đang phải đối mặt là:
Nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa trong hội nhập quốc tế. Quá trình hội nhập quốc tế mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong giao lưu văn hóa, học hỏi và sáng tạo, song cũng kèm theo rủi ro về xói mòn bản sắc văn hóa truyền thống. Văn hóa đại chúng quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển, dễ dàng len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội thông qua truyền thông và mạng xã hội, ảnh hưởng đến thị hiếu và phong cách sống, đặc biệt là của giới trẻ, có thể làm phai nhạt những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam nếu không có biện pháp bảo tồn và phát huy kịp thời.
Thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng cho các dự án văn hóa dài hạn. Phát triển văn hóa đòi hỏi sự đầu tư cả về tài chính và hạ tầng, từ hệ thống bảo tàng, thư viện, trung tâm nghệ thuật đến các cơ sở hạ tầng văn hóa số. Tuy nhiên, ngành văn hóa ở Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều hạn chế về nguồn lực. Nhiều dự án văn hóa, đặc biệt là các dự án bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thiếu sự đầu tư dài hạn, dẫn đến sự xuống cấp và suy giảm của các giá trị văn hóa. Ngoài ra, các nguồn tài trợ văn hóa thường không ổn định và phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước hoặc tài trợ quốc tế, hạn chế khả năng triển khai và duy trì các chương trình văn hóa quy mô lớn.
Thách thức trong việc phát triển văn hóa số và ứng dụng công nghệ cao. Trong thời đại công nghệ, việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực văn hóa không chỉ giúp lưu giữ các giá trị văn hóa mà còn mở rộng khả năng tiếp cận. Tuy nhiên, phát triển văn hóa số ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là thiếu hụt về nguồn nhân lực chuyên môn, công nghệ phù hợp và kinh phí đầu tư. Cơ sở dữ liệu văn hóa số, các nền tảng số hóa di sản văn hóa và các ứng dụng văn hóa trên mạng vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ, khiến việc quảng bá và bảo tồn văn hóa Việt Nam trên không gian số còn hạn chế.
Để văn hóa Việt Nam thực sự phát huy vai trò sức mạnh mềm trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xin đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh giáo dục văn hóa từ nhỏ.
Giáo dục văn hóa từ nhỏ là nền tảng quan trọng để tạo dựng nhận thức về giá trị và bản sắc văn hóa. Việc lồng ghép nội dung văn hóa vào chương trình giáo dục, từ tiểu học đến trung học phổ thông, sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa dân tộc. Các hoạt động ngoại khóa như tham quan bảo tàng, tham gia các lễ hội văn hóa truyền thống hoặc học các môn nghệ thuật dân gian cũng là cách hiệu quả để giáo dục và nâng cao tình yêu văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh truyền thông về văn hóa trên các kênh truyền thông xã hội phổ biến của giới trẻ cũng là phương pháp hữu hiệu để kết nối và tạo ra sức lan tỏa rộng lớn.
Thứ hai, xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế về văn hóa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa là một công cụ đắc lực để Việt Nam có thể bảo tồn và phát huy văn hóa đồng thời tiếp thu các giá trị tiến bộ từ các nền văn hóa khác. Các chương trình hợp tác, giao lưu văn hóa với các quốc gia khác giúp tăng cường sự hiểu biết và mối quan hệ giữa các nền văn hóa, đồng thời tạo điều kiện cho nghệ sĩ và nhà sáng tạo văn hóa Việt Nam tiếp cận các công nghệ, ý tưởng mới và các nền tảng quảng bá quốc tế. Các dự án hợp tác với UNESCO hoặc các tổ chức văn hóa quốc tế khác cũng có thể hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực cần thiết cho việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa.
Để ngành văn hóa thực sự vươn lên và phát triển bền vững, việc tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt. Các chuyên gia văn hóa, nhà nghiên cứu và nghệ sĩ cần được trang bị kiến thức chuyên sâu và kỹ năng quản lý văn hóa hiện đại, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và công nghệ mới. Việc đào tạo không chỉ tập trung vào các lĩnh vực truyền thống như lịch sử, dân tộc học, nghệ thuật mà còn cần bổ sung các lĩnh vực mới như công nghệ văn hóa, truyền thông số và quản trị di sản. Các chương trình học bổng, trao đổi học thuật, hoặc các khóa học đào tạo ngắn hạn với sự hợp tác của các quốc gia phát triển cũng là giải pháp khả thi để nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực văn hóa.
Thứ tư, phát triển hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số cho văn hóa.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy văn hóa là xu hướng tất yếu. Đầu tư vào các công nghệ như thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp số hóa các di sản văn hóa, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận và trải nghiệm các giá trị văn hóa qua môi trường trực tuyến. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu văn hóa quốc gia, cung cấp nền tảng trực tuyến cho các bảo tàng, thư viện và các tổ chức văn hóa, từ đó dễ dàng chia sẻ tài liệu, hình ảnh, và video về văn hóa đến công chúng. Các dự án công nghệ số trong ngành văn hóa cũng cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và các tổ chức tư nhân để tăng cường nguồn lực và phát triển các nền tảng quảng bá văn hóa hiệu quả.
*
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, văn hóa nổi lên như một nguồn lực đặc biệt, vừa là niềm tự hào của dân tộc, vừa là sợi dây kết nối và nâng đỡ mọi lĩnh vực phát triển. Sức mạnh mềm của văn hóa giúp Việt Nam khẳng định bản sắc độc đáo, tạo lập dấu ấn riêng trên bản đồ thế giới và mở ra các cơ hội ngoại giao, kinh tế, giáo dục đầy tiềm năng. Văn hóa là nhịp cầu kết nối con người, là sức mạnh nội tại giúp cộng đồng đoàn kết và hun đúc tinh thần dân tộc trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Để văn hóa thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững, sự đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là điều kiện thiết yếu. Xây dựng nền tảng chính sách mạnh mẽ, khuyến khích sáng tạo văn hóa và ứng dụng công nghệ số vào việc bảo tồn di sản là những giải pháp chiến lược giúp văn hóa có thể tiếp tục vươn xa. Hơn bao giờ hết, đầu tư vào văn hóa chính là đầu tư vào tương lai của dân tộc, giúp Việt Nam không chỉ phát triển kinh tế, xã hội mà còn giữ vững bản sắc và khẳng định sức mạnh mềm của mình trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu./.
PGS. TS. BÙI HOÀI SƠN
(ANTV) - Ngày 13/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
(ANTV) - Để tiếp tục giữ vững an ninh, trật tự (ANTT), ổn định xã hội, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ Công an phát động đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT trên phạm vi toàn quốc.
(ANTV) - Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 đối tượng có hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, gồm: Nguyễn Văn Quân, Phan Văn Lợi và Trần Quốc Tuấn.
(ANTV) - Nhắc đến điện hạt nhân, nhiều người thường nghĩ ngay đến những sự cố nghiêm trọng như Chernobyl xẩy ra năm 1986 ở Liên Xô hay Fukushima 2011 ở Nhật Bản. Tuy nhiên, ít ai biết rằng các nhà máy điện hạt nhân hiện đại ngày nay được xây dựng với công nghệ tiên tiến, đảm bảo mức độ an toàn vượt trội.
(ANTV) - Một thông tin đáng chú ý, kể từ ngày 1/1/2025, chủ xe là công dân Việt Nam có tài khoản định danh mức độ 2 sẽ thực hiện đăng ký xe toàn trình đối với xe nhập khẩu. Đây là chủ trương đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký xe mang lại sự thuận lợi và hiệu quả tích cực cho người dân trong quá trình thực hiện.
(ANTV) - Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025,. Nhằm đáp ứng mong muốn của người dân về quê đón Tết, ngành đường sắt tổ chức chạy thêm 11 chuyến tàu cho các chặng TP Hồ Chí Minh đến Quảng Ngãi, Hà Nội và ngược lại.
(ANTV) - “Quy hoạch báo chí CAND phục vụ tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là lưu ý của Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 362, ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trong CAND, diễn ra sáng 13/12, tại Hà Nội.
(ANTV) - Ngày 12/12, phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ) đã tổ chức lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2026-2028.
(ANTV) - Theo tuyên bố ngày 12/12, Mỹ sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, trong bối cảnh Washington đang gấp rút tăng cường hỗ trợ Kiev trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.