(ANTV) - Năm 2024 dần khép lại, nhưng tình hình thế giới vẫn đang diễn ra phức tạp và khó đoán định. Một năm đầy biến động với chiến tranh, xung đột tiếp diễn, thậm chí lan rộng; biến đổi khí hậu khiến cho các thảm họa thiên nhiên ngày một dữ dội hơn; kéo theo đó là khủng hoảng nhân đạo, nghèo đói, dịch bệnh.
Cục diện chính trị thế giới cũng đang cho thấy một bức tranh phân rẽ rõ nét, biểu hiện không chỉ giữa châu lục với châu lục, giữa quốc gia với quốc gia mà còn ngay trong nội bộ của những “cường quốc” khu vực. Nhưng trong tổng thể thế giới 2024, vẫn có những điểm sáng về khoa học công nghệ, y tế phục vụ cho tương lai của nhân loại.
Trung Đông đỏ lửa
Năm 2024 chứng kiến sự mở rộng chiến sự giữa quân đội Israel với lực lượng Hezbollah ở Liban, Houthi ở Yemen, các cuộc không kích dữ dội nhằm vào lãnh thổ của nhau giữa Israel và Iran sau nhiều thập niên xung đột diễn ra âm thầm trong “bóng tối”. Màn đối đầu trực diện ngày 1/10 của Tehran nhằm trả đũa việc Tel Aviv đã ám sát 2 thủ lĩnh quan trọng Ismail Haniyeh của phong trào Hồi giáo Hamas và Hassan Nasrallah của lực lượng Hezbollah.
Rất nhiều cuộc họp của HĐBA dẫn đến các nghị quyết kêu gọi và cả lệnh ngừng bắn được đưa ra, nhưng tình hình trên thực địa không hề hạ nhiệt. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc công bố báo cáo cho biết, 14 tháng xung đột ở Gaza đã cướp đi mạng sống của 45.000 con người, chủ yếu là dân thường.
Ngày 8/12, lực lượng nổi dậy ở Syria tuyên bố lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad. Lợi dụng tình hình bất ổn, quân đội Israel đã triển khai các đơn vị tới vùng đệm do Liên hợp quốc kiểm soát giữa Cao nguyên Golan với lãnh thổ Syria... đánh dấu một năm đầy đau thương và bất ổn với người dân vùng chiến sự.
Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên cũng đã leo lên một nấc thang mới nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua, khi Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc điều khiển các thiết bị bay không người lái mang truyền đơn hoạt động xâm phạm vùng trời Bình Nhưỡng.
Ngày 14/10, Triều Tiên cho nổ tuyến đường liên Triều - chấm dứt mọi hợp tác kinh tế và hạ tầng với Hàn Quốc. Ngày 17/10, Triều Tiên sửa đổi Hiến pháp, coi Hàn Quốc là "quốc gia thù địch". 1,4 triệu thanh niên Triều Tiên cũng đã nộp đơn xin gia nhập hoặc quay trở lại quân đội.
Trong khi đó, Hàn Quốc tiến hành các cuộc họp khẩn an ninh quốc gia và đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh.
Trên mặt trận quân sự, Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử vũ khí, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình mới, thể hiện các bước tiến trong lĩnh vực công nghệ quân sự, tăng cường khả năng răn đe. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng triển khai một loạt cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản nhằm phô diễn sức mạnh quân sự.
Nhìn lại toàn cảnh Bán đảo Triều Tiên trong năm qua, có thể khẳng định, mức độ tin cậy lẫn nhau nhất định vốn được các nhà lãnh đạo 2 nước dày công vun đắp trong mấy năm nay, đã không còn.
Dai dẳng chiến sự Nga – Ukraine
Đạn pháo vẫn nổ, giao tranh tiếp diễn, cuộc xung đột tiếp tục dai dẳng giữa Nga và Ukraine. Theo Liên hợp quốc, hơn 10.000 dân thường đã thiệt mạng, gần 20.000 người bị thương, 6,3 triệu người phải đi lánh nạn khi cuộc chiến sắp bước sang năm thứ 4. Trong khi đó, theo NATO, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, tổng số thương vong ở cả 2 bên đã lên tới hơn 1 triệu binh sĩ.
Năm thứ 3 chiến sự chứng kiến sự tăng cường mạnh mẽ về tiềm lực, khí tài quân sự từ cả Nga và Ukraine. Trong khi Mỹ và các quốc gia châu Âu đẩy mạnh giải ngân các gói viện trợ và cung cấp bổ sung vũ khí, trong đó có Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS do Mỹ sản xuất, tên lửa hành trìnhStorm Shadow, Neptune… cho Ukraine, thì Nga cũng đưa vào chiến trường những vũ khí tối tân bậc nhất, như tên lửa Oreshnik có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Iskander-M, tên lửa siêu thanh Kinzhal... cho thấy quan điểm không nhượng bộ của cả 2 bên.
Đáng chú ý, trong năm qua, lần đầu tiên quân đội Ukraine đưa quân tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga tại các vùng Kursk, Bryansk và Belgorod, trong khi đó, các cuộc không kích của Nga đã không còn khoanh vùng ở các tỉnh miền Đông, mà trực diện vào thủ đô Kiev.
Vào tháng 11, Mỹ thậm chí “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS nhằm vào mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, dẫn đến việc, Moskva sửa đổi học thuyết hạt nhân, cho phép nước này quyền lựa chọn triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu bị tấn công từ một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một quốc gia hạt nhân.
NATO mở rộng lãnh thổ
Cuộc đối đầu dai dẳng giữa Nga và Ukraine đã kéo theo căng thẳng ngày một gia tăng giữa Nga với phương Tây, và chính đó là “động lực” để Thụy Điển “đoạn tuyệt” với quá khứ hơn 200 năm tránh xa liên minh quân sự và áp dụng lập trường trung lập thời chiến.
Ngày 11/3/2024, lá quốc kỳ Thụy Điển được kéo lên tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, đánh dấu việc nước này chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 32 của liên minh quân sự NATO, sau 2 năm đàm phán.
Ông JENS STOLTENBERG – Cựu Tổng thư ký NATO cho biết: “Để đáp trả hành động của Nga chống lại Ukraine, NATO đã tăng cường đáng kể sự hiện diện trên khắp liên minh, và việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ khiến cho chúng ta mạnh hơn, giúp Thụy Điển an toàn hơn và toàn bộ liên minh an toàn hơn.”
Dĩ nhiên, Nga không thể dễ dàng bỏ qua mối đe dọa này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh khôi phục lại 2 quân khu Leningrad và Moskva từ Quân khu miền Tây, nhằm ứng phó trong trường hợp bị bao vây từ biển Baltic và phía Tây. Bên cạnh đó, tại vùng lãnh thổ Kaliningrad, Nga triển khai tên lửa có khả năng vươn tới Thụy Điển ở khoảng cách 300km qua biển Baltic, khiến cuộc đối đầu vốn đã căng thẳng giữa Nga và NATO thêm trầm trọng.
Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu tại châu Âu
2024 được nhận định là “năm hồi sinh” của lực lượng cựu hữu tại châu Âu. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra tháng 6 đã khiến nhiều lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải bất ngờ, khi các đảng cực hữu giành được sự ủng hộ vượt trội so với trước đó, đặc biệt ở những quốc gia thành viên hàng đầu như Pháp và Đức.
EP sau đó chứng kiến sự khai sinh của nhóm chính trị mới theo đường lối cựu hữu với 7 nước tham gia, mang tên "Những người yêu nước vì châu Âu", mà theo người khởi xướng là Thủ tướng Hungary Victor Orban, để nhằm mục đích “thay đổi chính trường châu Âu.”
Trong khi cánh hữu còn nhiều điểm khác biệt, điểm chung của họ là cách nhìn về thế giới chỉ xoay quanh quốc gia - dân tộc, sự thù địch đối với người di cư, sự hoài nghi đối với các tổ chức siêu quốc gia như EU, LHQ và trong một số trường hợp là cả NATO. Cuộc chiến ở Ukraine cũng nằm trong số các vấn đề được dự báo bị ảnh hưởng trước sự trỗi dậy thiên hữu.
Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 7, bà Roberta Metsola, Chủ tịch EP và bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đều tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Với việc 2 vị trí chủ chốt đều thuộc về Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) – đảng thống trị truyền thống trong EP – kỳ vọng sẽ phần nào chung hòa được sức mạnh cực hữu đang trỗi dậy ở “Lục địa già.”
Sóng ngầm nội bộ
Sự trỗi dậy của lực lượng cực hữu ở EP cũng phản ánh bất ổn trong nội bộ các quốc gia được coi là trụ cột của EU là Pháp và Đức. Cách nhau chỉ 2 tuần của tháng 12, hai chính phủ liên tiếp thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội, dẫn đến việc cựu Thủ tướng Pháp Michel Barnier rời ghế sau 3 tháng nắm quyền, còn Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier có thể phải giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vào tháng 2/2025.
Các nhà phân tích mạnh dạn nói rằng, Tổng thống Emmanuel Macron cũng như đảng Phục Hưng của ông đã “bị cử tri Pháp từ chối”, nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz "bị chính các đối tác liên minh của mình từ chối".
Châu Âu hay châu Á có vẻ không liên quan, nhưng xét hoàn cảnh chính trị thì Hàn Quốc chẳng khác nào cả Pháp và Đức gộp lại. Việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật vào ngày 3/12 đã kéo theo một chuỗi ngày khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Xứ sở Kim chi.
Nhưng, từ đó để thấy rằng, chính trường Hàn Quốc tồn tại rất nhiều chia rẽ. Chia rẽ lớn đến từ sự khác biệt về lập trường giữa đảng cầm quyền và các đảng đối lập, và sự chia rẽ nhỏ đến từ ngay nội bộ đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ có 180 ngày để ra phán quyết về tương lai của Tổng thống Yoon: một là ông có thể lật ngược tình thế quay trở lại nghị trường sau kiến nghị luận tội, 2 là từ chức hoặc chấp nhận bãi nhiệm. Dù theo lựa chọn nào, tương lai của nền chính trị Hàn Quốc vẫn vô cùng mơ hồ và thiếu chắc chắn.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng
Lịch sử nước Mỹ chắc chắn không thể không đề cập đến cái tên Donald Trump. Sau ngày bầu cử 5/11, ông đã trở thành đại diện đầu tiên của đảng Cộng hòa tại Mỹ đắc cử Tổng thống trong 2 nhiệm kỳ không liên tiếp và cũng sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên tuyên thệ nhậm chức trong khi vẫn phải đối mặt với các rắc rối pháp lý.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu: “Đây là một chiến thắng tuyệt vời cho người dân Mỹ, cho phép chúng ta đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.”
Việc ông Donald Trump tái đắc cử cũng đại diện cho một sự thay đổi mới trong nền chính trị Mỹ, một sự thay đổi khỏi các chuẩn mực truyền thống, hướng tới một thời kỳ mà việc phá vỡ các quy tắc và mở rộng ranh giới có thể trở thành các tiêu chuẩn mới, giống như những gì ông đã thể hiện trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên năm 2016.
Trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, siết chặt các biện pháp về kinh tế và thuế quan, cắt giảm các quy định khí hậu, chấm dứt can dự quân sự của Mỹ trong nhiều cuộc xung đột trên thế giới… là một số chương trình nghị sự đã được ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng hé lộ. Với hàng loạt thách thức và vị thế “cường quốc” số 1 thế giới liệu ông sẽ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng cách nào?
Bước lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu
Dù có tính toán đến đâu, ngay cả những cường quốc lớn như Mỹ cũng không thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” của thiên nhiên. Chỉ trong vòng 2 tuần cuối tháng 9, đầu tháng 10, Mỹ đã phải hứng chịu 2 cơn bão Helene và Milton cùng xuất phát từ Vịnh Mexico và cùng có tốc độ tăng sức mạnh khủng khiếp trong thời gian ngắn. Hậu quả làm 269 người thiệt mạng và những tốn thất kinh tế nặng nề. Các chuyên gia khí hậu nhận định, nguyên nhân của xu hướng thời tiết cực đoan này là do đại dương ấm lên.
Năm 2024 cũng là năm đầu tiên ghi nhận nhiệt độ toàn cầu đạt mức tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan đã thất bại, khi các quốc gia không thể đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ về việc chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch.
Bước lùi của COP29 khiến tương lai của những nỗ lực chống biến đổi khí hậu trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết. Và khi ấy, những trận thiên tai thảm khốc như thế này có thể không chỉ dừng lại ở một quốc gia.
Đột phá y học
Trong bức tranh nhiều gam màu xám của thế giới 2024 cũng đã xuất hiện những mảng sáng, mang tới hy vọng cho nhiều người. Nga tuyên bố sẽ chính thức lưu hành vaccine chống ung thư Enteromix vào đầu năm 2025. Đây là loại vaccine điều trị tiên tiến, không chỉ ngăn chặn sự phát triển của khối u mà còn kiểm soát được di căn. Vaccine dựa trên công nghệ mARN này dự kiến mang lại hy vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới.
Các chuyên gia y tế tại Mỹ đã thực hiện thành công 2 ca cấy ghép thận của lợn được chỉnh sửa gen sang người, một ở Boston và một ở New York, thắp lên niềm hy vọng mới cho hàng triệu người đang chờ được ghép tạng.
Hãng Mordena của Mỹ cũng đã nghiên cứu thành công loại vaccine kết hợp bảo vệ chống lại cả COVID-19 và cúm, có thể được ra mắt vào năm 2025. Các thử nghiệm cho thấy vaccine RNA kết hợp này tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn so với từng loại riêng lẻ.
AI cần phải được kiểm soát
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã hỗ trợ đắc lực cho lĩnh vực y học trong năm 2024 và nó cũng len lỏi vào từng lĩnh vực của đời sống, xã hội. Nhưng sự phát triển mạnh mẽ của AI cũng song hành cùng những lo ngại về mặt trái của nó: như vấn đề bản quyền, nguy cơ mất an ninh, lừa đảo, thậm chí, những tổ chức nhân đạo cũng hết sức quan ngại khi AI được áp dụng trong các hệ thống vũ khí tự động.
Trong khi thừa nhận những mặt tích cực của AI, một số quốc gia và khu vực đã ban hành các khung pháp lý để kiểm soát sự phát triển của lĩnh vực đầy tiềm năng này.
4 năm sau khi được đề xuất, Đạo luật quản lý AI đầu tiên trên thế giới của Ủy ban châu Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, với kỳ vọng sẽ bảo vệ quyền công dân trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Ngày 30/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro mà công nghệ AI có thể gây ra, thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực AI.
Ngày 21/3, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về việc thúc đẩy các hệ thống trí tuệ Nhân tạo AI “an toàn, bảo mật và đáng tin cậy” nhằm mang lại lợi ích phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
(ANTV) - Ngày 2/1, Công an quận Tân Bình TPHCM đã tạm giữ khẩn cấp cựu tuyển thủ Lê Sỹ Mạnh về hành vi đánh trọng tài trên sân bóng gây phẫn nộ dư luận thời gian qua.
(ANTV) - Công an thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn vừa khởi tố vụ án cưỡng đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn thành phố Bắc Kạn.
(ANTV) - Theo Nghị định 180 của Chính phủ, một số mặt hàng và dịch vụ đã chính thức được giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng đến hết 30/6/2025.
(ANTV) - Ngày 2/1, tại TP HCM, Công an xã Vĩnh Lộc A phối hợp với Công an huyện Bình Chánh đã triệu tập những người có liên quan trong vụ Gây rối trật tự công cộng trên địa bàn để làm rõ, xử lý.
(ANTV) - Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đang điều tra, làm rõ vụ án tổ chức đánh bạc và đánh bạc với quy mô rất lớn. Số tiền dùng để giao dịch đánh bạc bước đầu xác định lên tới khoảng 500 tỷ đồng. Các đối tượng tham gia đánh bạc ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.
(ANTV) - Thái Lan sẽ chấm dứt nạn buôn ma túy xuyên biên giới tại 14 tỉnh ở nước này trong vòng 6 tháng. Đây là tuyên bố mới nhất cho thấy quyết tâm của Chính phủ Thái Lan nhằm chấm dứt nạn buôn ma túy qua biên giới.
(ANTV) - Cục CSGT nói gì về việc xử phạt nếu đèn tín hiệu giao thông "vừa sang xanh đã chuyển đỏ"; Lại rộ trò lừa đảo “cài đặt ứng dụng điện lực mới"; Học sinh khóc ròng trong những buổi kỹ năng sống: Giáo dục hay thao túng cảm xúc?; Cải thiện năng suất lao động, kỳ vọng tăng trưởng 8% năm 2025...Là những tin tức nổi bật được đăng tải trên báo ra ngày hôm nay.
(ANTV) - Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm, Công an tỉnh Thái Nguyên vừa xác minh, làm rõ và xử lý 03 trường hợp “báo chốt” giao thông
(ANTV) - Chiều 02/01, Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025 của Cục Quản lý xây dựng và doanh trại. Cùng dự có Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an.
(ANTV) - Sáng nay (02/01) tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên TƯ Đảng, Phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025 tại Cục Truyền thông CAND.