(ANTV) - Pháp luật về ANTT là một bộ phận của hệ thống pháp luật của nhà nước CHXHCN Việt Nam. Vì vậy xây dựng và hoàn thiện pháp luật về ANTT là góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam, là tiền đề xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, trong những năm qua Bộ Công an đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật quan trọng trong lĩnh vực an ninh, trật tự; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đó đã tạo ra một hệ thống toàn diện, đồng bộ và khả thi trong tất cả các lĩnh vực công tác Công an, giúp cho lực lượng CAND thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; nhằm phòng, chống tấn công mạng. Luật cũng quy định những nội dung cơ bản về phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Có thể thấy Luật An ninh mạng được Bộ công an xây dưng và ban hành là rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn hiện nay khi các cuộc tấn công mạng đối với Việt Nam ngày càng gia tăng.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, thành viên Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng đánh dấu một bước rất quan trọng trong công tác lập pháp của nhà nước ta nói chung, lập pháp trong vấn đề An ninh mạng, đây là một vấn đề An ninh phi truyền thống. Luật An ninh mạng được ban hành đã làm đổi mới nhận thức của nhân dân về nguy cơ vi phạm các quy định liên quan đến An ninh mạng.
Thống kê từ năm 2017 đến hết tháng 12/2021. Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành địa phương tham mưu và trình Quốc hội thông qua 12 luật, 1 Nghị quyết của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội, 50 Nghị định, 12 Thông tư liên tịch, tham mưu với cấp có thẩm quyền ra nhập 2 điều ước Quốc tế đa phương, trình Chủ tịch nước phê chuẩn 17 hiệp định trong lĩnh vực tư pháp hình sự 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã báo cáo và trình Quốc hội thông qua 1 Luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội, 5 Nghị Định của Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 36 thông tư.
Theo bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Bộ Công an đã tham khảo Luật của quốc tế, của các nước đang phát triển, nhưng không bê nguyên vào tôi cho đấy là cái rất tốt, vì việc bảo vệ trật tự trị an thì cái đặc thù là quan trọng thì Công an đã làm được việc đó, giám sát từ nhu cầu thực tiễn và xây dựng Luật, tôi cho đấy là yêu cầu cao nhất, tính khả thi sẽ rất cao, không gây lãng phí, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thiện các dự án Luật như Luật CAND sử đổi, Luật Đảm bảo trật tự ATGT, Luật Lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở, trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo để đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội và sớm được ban hành. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng mới Luật Về dẫn độ, Luật Bảo vệ nhân chứng, Luật Chuyển giao người bị kết án phạt tù, nghiên cứu sửa đổi bổ sung và lập đề nghị để xây dựng Luật Căn cước công dân sửa đổi, Luật Tổ chức điều tra hình sự sửa đổi và các quy định cụ thể hóa các luật hiện có, tạo cơ sở pháp lý để triển khai đề án số 06. Đặc biệt là sớm có các văn bản dưới luật để đảm bảo an toàn về an ninh mạng - một vấn rất cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho biết: Lĩnh vực ANTT lúc nào cũng có sự chuyển động, diễn biến mới, thì những vấn đề mới thì Bộ Công an phải cập nhật kịp thời và tham mưu cho Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa vào chương trình để xây dựng pháp luật; về phía Ủy ban Quốc phòng và An ninh chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với Bộ Công an tiếp cận sớm theo quy chế để tham mưu cho Quốc hội để trình đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu.
Dấu ấn công tác xây dựng pháp luật không chỉ là việc chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về ANTT. Đảng uỷ Công an Trung ương còn chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, giúp nhân dân và doanh nghiệp nhận thức đúng đắn và chấp hành nghiêm pháp luật, hướng tới xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn lành mạnh./.