(ANTV) - Sáng 16/2 tại Hà Nội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 8 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát Cơ động. Tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thông tin thêm tới các đại biểu xung quanh một số quy định trong dự thảo Luật.
Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến đều khẳng định, sau khi được các đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa 15, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật.
Đồng tình với nhiều nội dung sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, nhiều đại đánh giá chất lượng dự thảo luật đảm bảo tốt, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp Cơ quan thẩm tra tập trung rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua theo quy trình.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, Bộ Công an và các cơ quan soạn thảo của Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các cơ quan có liên quan tiến hành nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, thống nhất các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, báo cáo xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp.
Thông tin thêm về nội dung CSCĐ là lực lượng vũ trang, thực hiện biện pháp vũ trang chủ yếu trong CAND trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, năm 1959, khi thành lập Công an vũ trang thì chính là lực lượng này thực hiện các biện pháp vũ trang. Sau 35 năm, lực lượng Công an vũ trang có quyết định chuyển sang Quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, mà bây giờ gọi là Bộ đội Biên phòng, và trong Công an vẫn cần một lực lượng thực hiện các biện pháp vũ trang.
Đại tướng Tô Lâm làm rõ, hiện nay thống nhất gọi là CSCĐ vì đã đi vào văn bản pháp luật, trở thành một lực lượng biên chế, tổ chức vũ trang như một đơn vị của Quân đội. Trong Công an có nhiều lực lượng đều thuộc lực lượng vũ trang, nhưng biện pháp vũ trang chủ yếu là ở CSCĐ. Có ý kiến nói, sử dụng động vật nghiệp vụ hay nghi lễ cũng phải mang tính chất vũ trang, vì nghi lễ trong CAND thì khác các nghi lễ, lễ tân thông thường khác.
Cũng tại Phiên họp hôm nay, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã thông tin thêm về một số nội dung trong dự thảo Luật như về việc hỗ trợ ngân sách; về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống khủng bố,…Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, sau phiên họp hôm nay, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Quốc hội và các vị đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.