(ANTV) - Được hưởng hàng loạt ưu đãi nhưng số lượng doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) thua lỗ ngày càng tăng. Trước tình hình này, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài.
Gia tăng doanh nghiệp FDI báo lỗ: Cần thay bộ lọc nhà đầu tư
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam thu hút được 408 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư FDI, đứng thứ 18 thế giới, thứ 2 Asean về thu hút FDI, sau Indonesia. Hiện tại, điều quan trọng không phải là thu hút được thêm nhiều vốn FDI, quan trọng là phải thu hút được vốn đầu tư FDI chất lượng cao.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam - Andrew Jeffries cũng cho biết: “Chính phủViệt Nam cần rà soát và sàng lọc các khoản đầu tư hiệu quả có ý nghĩa quan trọng hơn là thu hút FDI để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế. Việt Nam nên hạn chế thu hút FDI qua các ưu đãi vì sẽ tạo điều kiện cho chuyển giá, thất thoát ngân sách. Việt Nam cần tăng cường cơ sở hạ tầng “mềm” như thể chế, môi trường kinh doanh, năng lực quản lý...”.
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Đề xuất 2 mức hỗ trợ 500.000 đồng và 1 triệu đồng/tháng
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Đề xuất 2 mức hỗ trợ 500.000 đồng và 1 triệu đồng/tháng.
2 đối tượng nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp và người lao động trở lại thị trường lao động, giữa 2 đối tượng này có sự chênh lệch về mức hỗ trợ. Trong đó, mức hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc là 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng); mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).
Để phân tách, xác định cụ thể 2 đối tượng hỗ trợ trên, dự thảo Quyết định căn cứ vào mốc thời gian giao kết và thực hiện hợp đồng lao động là ngày 1/3.
Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công văn số 1703/VPCP-CN về việc hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô. Thủ tướng Chính phủ có ý kiến: Căn cứ ý kiến thống nhất của các thành viên Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm việc với UBND TP Hà Nội rà soát hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nêu trên. Dự án đường Vành đai 4 có chiều dài 112,8km.
Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Nguy cơ “đóng cửa” rừng keo Quảng Ngãi vì giá giảm sâu
Mặc dù mới bước vào đầu mùa khai thác gỗ keo ở các vùng rừng keo nguyên liệu của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng nhiều hộ dân, chủ rừng dừng khai thác, “đóng cửa” rừng. Nguyên nhân là do giá thu mua liên tục giảm, nên vụ mùa khai thác gỗ keo cho ngành chế biến dăm gỗ ở Quảng Ngãi đìu hiu chưa từng có trong nhiều năm qua.
Theo các chủ hộ trồng rừng, chi phí khai thác, vận chuyển từ rừng núi cao về nơi thu mua tăng cao hơn so năm trước. Tuy nhiên, giá thu mua keo tại các nhà máy chế biến dăm gỗ ở huyện miền núi liên tục giảm khiến người trồng rừng càng khó khăn hơn. Tại nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Sơn Hà, huyện Sơn Hà, giá thu mua gỗ keo liên tục giảm từ 1,1 triệu đồng giảm xuống còn hơn 1 triệu đồng mỗi tấn. Nhiều chủ rừng “đóng cửa” chờ cân đối chi phí, giá thu mua hợp lý mới khai thác trở lại.