(ANTV) - Đúng như nhiều dự đoán trước đó, vào chiều 21/2, giá xăng trong nước tiếp tục thiết lập đỉnh mới, vượt mốc 26.000 đồng/lít. Và đâu là lần tăng thứ 5 liên tiếp từ cuối năm 2021 đến nay. Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá, dịch vụ mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Chính vì vậy, không chỉ sát đến kỳ điều chỉnh mà bất cứ lúc nào, từ khoá “giá xăng dầu” cũng nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến thảo luận từ cư dân mạng.
Giá xăng dầu trên thế giới thời gian gần đây tăng liên tục, dẫn đến giá bán lẻ trong nước lập đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua. Giá xăng dầu tăng tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, vì đây là yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh. Khi giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ làm giá hàng hoá tăng theo và chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng lên. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Nhiều ý kiến cư dân mạng bày tỏ lo lắng trước lần tăng giá này.
Bài toán được cộng đồng mạng đặt ra là làm thế nào để giảm giá xăng dầu, vừa giảm bớt khó khăn cho người dân, vừa tránh ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế còn đang “đuối sức” do dịch COVID-19.
Trao đổi trên báo chí, TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách - Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng: “Chúng ta đều biết, yếu tố thuế, phí tác động lớn đến giá cả xăng dầu. Vì vậy, muốn giảm giá, phải tính đến việc điều chỉnh các loại thuế, phí đối với giá xăng dầu. Việc này đã có quy định cụ thể rồi, nên cần phải xem xét điều chỉnh linh hoạt các loại thuế nhập khẩu, rồi các loại thuế khác như thuế môi trường…”
Đông đảo cư dân mạng cũng bày tỏ quan điểm, đề xuất về vấn đề này.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long cũng cho rằng có 2 “van” điều tiết giá xăng dầu, đó là thông qua Quỹ Bình ổn giá và thuế, tuy nhiên, theo TS. Ngô Trí Long, để điều chỉnh 2 yếu tố này cần có sự linh hoạt và tính toán kỹ lưỡng: “Điều hành quỹ cần linh hoạt vì có thời điểm nhiều doanh nghiệp kinh doanh đầu mối cũng âm quỹ do chi quá nhiều. Đối với điều tiết về thuế, cũng cần phải được tính toán, cân nhắc, bởi giảm thuế sẽ gây áp lực lên nguồn thu ngân sách. Mặt khác, để giảm thuế cần trình cấp có thẩm quyền xem xét nên không thể quyết trong trước mắt ngay được.”
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về Quyết định phê duyệt kế hoạch bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng RON 92 dự trữ quốc gia, giá khởi điểm tạm tính là 14.058 đồng/lít.
Việc đấu giá xăng dầu dự trữ quốc gia được Bộ Công Thương lên kế hoạch trong bối cảnh giá xăng tăng lên mức cao nhất lịch sử, nhiều cửa hàng xăng dầu trên cả nước thiếu nguồn cung cục bộ. Đông đảo cư dân mạng hi vọng, đây sẽ là động thái giúp giá xăng dầu được ổn định trong thời điểm hiện nay.