(ANTV) - Cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã đề nghị được nhập cảnh Thái Lan để tạm trú tại quốc gia Đông Nam Á thứ hai kể từ khi rời đất nước hồi tháng trước do làn sóng biểu tình.
Ngày 14/7, ông Rajapaksa đã đến Singapore và thông báo từ chức, trở thành Tổng thống đầu tiên của Sri Lanka không thể tại vị hết nhiệm kỳ. Ông dự kiến sẽ rời Singapore và đến thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày hôm nay. Bộ Ngoại giao Sri Lanka chưa bình luận gì về thông tin này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết ông Rajapaksa đang sử dụng hộ chiếu ngoại giao. Thái Lan cho phép ông nhập cảnh trong 90 ngày. Theo người phát ngôn trên, việc nhập cảnh Thái Lan của cựu Tổng thống Sri Lanka “chỉ là tạm trú” và “phía Sri Lanka đã thông báo rằng cựu Tổng thống không có ý định tị nạn chính trị ở Thái Lan và sẽ chuyển sang một quốc gia khác”.
Trước đó, Chính phủ Singapore cho biết nước này không trao cho ông Rajapaksa đặc quyền hay quyền miễn trừ nào.
G7 chỉ trích việc Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân của Ukraine
Trong một tuyên bố ngày 10/8, Ngoại trưởng các nước thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lên tiếng chỉ trích việc Nga chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, đồng thời kêu gọi Moskva ngay lập tức giao lại toàn quyền kiểm soát nhà máy cho phía Kiev.
Tuyên bố nêu rõ, nhân viên vận hành nhà máy của Ukraine "có quyền thực hiện nhiệm vụ của họ mà không bị đe dọa hay gây sức ép. Việc Nga tiếp tục kiểm soát nhà máy gây nguy hiểm cho toàn khu vực".
Thêm vào đó, Ngoại trưởng các nước G7 còn kêu gọi các bên liên quan tạo điều kiện để Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cử phái đoàn tới nhà máy Zaporizhzhia nhằm giải quyết các vấn đề về an toàn hạt nhân cũng như quan ngại về an ninh, theo cách tôn trọng hoàn toàn chủ quyền của Ukraine.
Về phần mình, Nga đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong ngày hôm nay liên quan đến các cáo buộc Ukraine tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hồi cuối tuần trước.