(ANTV) - Các nỗ lực ngoại giao vẫn đang được thúc đẩy trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây liên quan đến tình hình Ukraine. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Ukraine hôm qua, lãnh đạo 2 nước đã có cuộc hội đàm tại thủ đô Kiev, thảo luận về các vấn đề song phương và tình hình căng thẳng tại biên giới Ukraine- Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Đức và Ukraine có cùng quan điểm về 1 giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện tại, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ toàn diện từ an ninh, kinh tế và năng lượng từ các nước đối tác. Ông Zelensky cũng khẳng định mong muốn của Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Về phần mình, Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định Đức luôn ủng hộ Ukraine, và cam kết Kiev sẽ nhận được các khoản viện trợ và vay mới từ Berlin trong thời gian tới.
Trong khi đó cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin lùi bước và tránh cái mà nhà lãnh đạo Anh gọi là “sai lầm thảm khốc”, trong bối cảnh Nga tập trung lực lượng ở biên giới với Ukraine.
Cũng trong ngày 14/2, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã có cuộc điện đàm với Chánh văn phòng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - ông Bjoern Seibert để thảo luận về các nỗ lực ngoại giao nhằm kêu gọi Nga giảm leo thang và lựa chọn biện pháp ngoại giao.
Còn Tổng Thư ký LHQ António Guterres cũng điện đàm riêng với Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Ukraine, theo đó hoan nghênh các nỗ lực đối thoại ngoại giao nhằm giảm bớt căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh không có giải pháp nào ngoài lộ trình ngoại giao có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay./.
Về phía Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa phê chuẩn dự thảo của Bộ Ngoại giao nước này về các biện pháp ứng phó của Moskva đối với các đề xuất về đảm bảo an ninh.
Trong đề xuất này, ngoại trưởng Nga Sergei Lavov đã đề nghị Moskva cần tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao nhằm đạt được những đảm bảo an ninh từ phương Tây trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan tới tình hình tại Ukraine. Việc Tổng thống Nga Putin phê chuẩn dự thảo này diễn ra không lâu ngay sau khi ngoại trưởng Lavrov đích thân trình văn kiện này trong cuộc hội kiến với Tổng thống Putin trước đó cùng ngày.
Về tiến trình đàm phán hạt nhân Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhận định, các cuộc đàm phán giữa nước này với các bên liên quan nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 tuy phức tạp và khó khăn, nhưng chưa "đi vào ngõ cụt".
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran cho biết, các cuộc đàm phán đã chạm đến "các vấn đề mấu chốt" và cần các bên, đặc biệt là Mỹ, đưa ra những quyết định chính trị nghiêm túc. Ông đồng thời nhấn mạnh, Tehran cần sự bảo đảm khách quan từ các bên liên quan rằng Mỹ sẽ không từ bỏ thỏa thuận một lần nữa.
Iran hiện đang đàm phán trực tiếp với Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, đồng thời đàm phán gián tiếp với Mỹ tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà các bên đã ký năm 2015. Tiến trình đàm phán đang được đặc biệt quan tâm bởi không chỉ liên quan đến chính trị, mà còn tác động sâu sắc đến thị trường dầu mỏ thế giới đang có dấu hiệu khan hàng./.