(ANTV) - Thực trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp không chỉ gây khó khăn cho công tác sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành đường dây mà còn gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của người dân. Vì thế, việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp luôn được Công ty Điện lực các tỉnh thành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra một số hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp đã dẫn đến sự cố, tai nạn điện làm mất điện, chết người, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngành Điện phải mất nhiều thời gian, công sức để khắc phục. Tình trạng này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động trong công tác quản lý an toàn công trình điện cao thế quốc gia hiện nay.
Các đường dây và trạm biến áp truyền tải điện là bộ phận quan trọng trong hệ thống truyền tải điện Quốc gia, có nhiệm vụ liên kết truyền tải điện giữa các vùng miền trong khu vưc, kết nối các Nhà máy điện và các trung tâm phụ tải.
Nếu sự cố xảy ra trên một trong các tuyến đường dây hoặc trạm biến áp trên sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ vận hành của hệ thống điện Quốc gia, làm mất cân đối nguồn và phụ tải, đồng thời ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện. Ngoài ra, khi sự cố xảy ra có thể nguy hiểm cho người và phương tiện gần đường dây, trạm biến áp.
Theo thống kê của Công ty Truyền tải điện Quốc gia EVNNPT, những hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp mà công ty đang quản lý chủ yếu tập trung vào các vi phạm như thả diều, vật bay trong hành lang lưới điện cao áp, Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện và đặc biệt là các hành vi xây dựng trái phép công trình, nhà ở dưới đường điện cao áp 220kV và 500kV.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương vẫn tồn tại nhiều công trình vi phạm về khoảng cách an toàn với hành lang lưới điện. Dù đã tích cực tuyên truyền, vận động di dời, chính quyền địa phương cũng có những văn bản, chỉ đạo, nhưng vì nhiều lý do vẫn không thể giải quyết.
Khi thi công công trình dưới hoặc xung quanh hành lang lưới điện truyền tải, chủ đầu tư và ngành Truyền tải điện đều có những buổi làm việc với nhau để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, tốc độ thi công gấp rút, nhiều đơn vị cùng thi công trên một công trình nên việc tuyên truyền cũng như kiểm soát, giám sát gặp khó khăn.
Trong khi đó, có thể nói, phần lớn người dân, người thi công chỉ hiểu đơn giản lưới điện truyền tải chỉ thực sự nguy hiểm khi có va chạm trực tiếp, hoặc đụng trúng phần dây điện hở mới gây ra tai nạn.
Năm 2020, một sự cố với đường dây 110kV xảy ra ngay sát trạm Biến áp 220kV Hà Đông. Theo đó, một đơn vị thi công san lấp phía ngoài tường bao của trạm đã gây đổ cột 110 kV. Sự việc xảy ra tuy chưa ảnh hưởng gì đối với trạm biên áp 220KV Hà Đông, tuy nhiên nguy cơ xảy ra sự cố là rất cao buộc ngành Truyền tải điện đã có công văn kết hợp với cơ quan công an kinh tế quận tiến hành tạm dừng hoạt động của đơn vị này, cùng với đó là dựng hệ thống tường bao quanh.
Trong các nguy cơ mất an toàn lưới điện thì nguy cơ đến từ vật bay cũng là nguy cơ chiếm số lượng khá lớn trong các sự cố đường dây truyền tải điện những năm vừa qua. Để phòng ngừa tai nạn điện và sự cố lưới điện do vật bay, các Công ty Truyền tải điện đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra và tuyên truyền vận động trẻ em không được thả diều gần khu vực lưới truyền tải điện, người dân sinh sống gần khu vực lưới truyền tải điện không để các mái tôn, bạt, nilon… bay vào lưới truyền tải điện gây sự cố.
Gia đình ông Quang, ở phường Lục Sơn, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình là 1 trong những hộ gia đình nằm gần khu vực hành lang lưới điện. Gia đình ông thường xuyên được các cán bộ Truyền tải điện đến tuyên truyền, nhắc nhở về những đồ vật trong nhà có nguy cơ trở thành vật bay ảnh hưởng đến lưới điện.
Việc thả diều hay để vật bay vào hành lang lưới điện là hành vi vi phạm về an toàn điện, được quy định tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về an toàn điện và để xảy ra gây sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hành vi thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng; đồng thời, bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố theo đúng quy định của nhà nước.
Riêng các trường hợp gây ra sự cố nghiêm trọng như hỏa hoạn, tai nạn do điện giật, sự cố mất điện trên diện rộng sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy công tác tuyên truyền của các đơn vị truyền tải cùng ý thức chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật sẽ là chìa khóa bảo vệ vững chắc cho dòng điện truyền tải.
Sự vào cuộc của các lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh, sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền và sự chủ động của các đơn vị quản lý vận hành lưới điện nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn lưới điện nói chung và việc thả các vật bay gần đường dây lưới điện cao áp nói riêng. Công việc. này sẽ đảm bảo an toàn vận hành lâu dài cho công trình điện cũng như tài sản và tính mạng của người dân.