(ANTV) - Vụ tai nạn thảm khốc chìm ca nô du lịch ở Quảng Nam khiến 17 người tử vong cho thấy vẫn còn những lỗ hổng trong khâu quản lý vận hành tàu, ca nô trên các tuyến giao thông thuỷ nội địa. Trong đó, có tồn tại một số bất cập xung quanh quy định của Bộ GTVT trong việc chuyển đổi phương tiện sang cấp chứng nhận tàu sông pha biển (VR-SB) ở một số tuyến thuỷ nội địa.
Những khách du lịch này đang đi trên ca nô SB trên tuyến đảo Lớn – đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Dù được trang bị áo phao đầy đủ nhưng chiếc ca nô này được thiết kế mui kín theo tiêu chuẩn VR-SB (tức là tàu sông pha biển) nên hành khách lo lắng. Bởi trong trường hợp xảy ra tai nạn sẽ khó thoát kịp ra ngoài.
Trước đây, các ca nô trên tuyến đảo Lớn – đảo Bé đều hoạt động theo tiêu chuẩn VR-SI ( tức là mui trần). Thế nhưng, từ năm 2017, Bộ GTVT đã có chỉ đạo buộc phải chuyển toàn bộ tàu, ca nô hoạt động trên tuyến sang VR-SB.
Trước đây, Sở GTVT Quảng Ngãi đã từng có văn bản đề nghị Bộ GTVT nên để các phương tiện hoạt động trên tuyến đường thuỷ nội địa đảo Lớn – đảo Bé sử dụng tiêu chuẩn tàu mui trần thay vì phải nâng cấp, chuyển đổi sang SB - “tàu sông pha biển”. Lý do được đưa ra là cự ly tuyến này ngắn chỉ dưới 4 hải lý và tàu chỉ hoạt động từ gió cấp 4 trở lại nên không nhất thiết phải nâng lên chuẩn SB. Ngay cả UBND huyện Lý Sơn vẫn tán thành kiến nghị này của Sở GTVT Quảng Ngãi nhưng Bộ GTVT vẫn bắt buộc chuyển đổi sang chuẩn SB.
Hiện tại, tuyến đường thuỷ nội địa đảo Lớn – đảo Bé đang có 14 ca nô và 3 tàu gỗ hoạt động vận tải khách và hàng hoá. Tất cả đều đăng ký hoạt động theo chuẩn VR-SB. Nhưng, với cự ly hoạt động ngắn, cấp gió thấp, việc buộc các ca nô vận tải khách phải đóng kín mui thì nỗi lo luôn thường trực.