(ANTV) - Tại Thái Bình địa phương có mạng lưới giao thông đường thủy với 4 sông lớn thuộc hệ thống đường thủy nội địa quốc gia chảy qua là sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa và sông Trà Lý; trên 80 bến đò ngang đang hoạt động với số lượng hành khách qua lại đông. CSGT tỉnh Thái Bình đã khẩn trương vào cuộc siết chặt quản lý các hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
Vụ tai nạn giao thông đường thủy vừa xảy ra tại địa bàn tỉnh Thái Bình. Tàu thủy mang biển kiểm soát HD.3839 trong quá trình lưu thông trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia sông Trà Lý hướng từ hạ lưu về thượng lưu, đã va chạm vào nhịp giữa cầu Thái Bình dẫn đến dầm biên phía hạ lưu của nhịp giữa cầu Thái Bình bị vỡ, nứt ngang dầm. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người lái tàu quên không hạ cabin nóc tàu khi tàu chuẩn bị chui qua cầu.
Trước những diễn biến về tình hình TNGT đường thủy tại địa bàn tỉnh cũng như các địa phương khác lực lượng CSGT Thái Bình đã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định trong đảm bảo ATGT đường thủy nội địa.
Tại bến phà Sa Cao là một trong những bến phà lớn của huyện Vũ Thư, hàng ngày có nhiều người, phương tiện ra, vào giữa Thái Bình và Nam Định.
Khi lực lượng chức năng có mặt thì hầu hết hành khách đi phà đều nghiêm túc thực hiện quy định mặc áo phao.
Còn trên chiếc phà, những chiếc áo phao, phương tiện cứu sinh dường như ít khi được sử dụng nên được gác lên cao rất cẩn thận như thế này.
Sau buổi kiểm tra, để khắc phục những vi phạm, CSGT Thái Bình đã yêu cầu chủ phương tiện ký các bản cam kết chấp hành quy định về ATGT đường thủy nội địa.
Ông Vũ Mạnh Miền, hành khách cho biết: "Tôi ý thứcc được cho mình vì tôi thường xuyên đi phà qua sông này. Mình phải tự bảo vệ mình. Việc mặc áo phao là rất quan trọng."
Vụ TNGT đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường thủy nội địa từ Cù Lao Chàm - Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam vừa qua một lần nữa cảnh báo tới các chủ phương tiện và hành khách không được phép lơ là, chủ quan, xem nhẹ công tác đảm bảo ATGT đường thủy, nhất là thời điểm tập trung đông hành khách.
Bắt đầu từ 1/1/2022, Nghị định số 139 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa chính thức có hiệu lực. Theo đó, nhiều lỗi vi phạm sẽ bị tăng nặng mức xử phạt. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện thủy cũng chưa nắm được những nội dung này.
Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT công an tỉnh Thái Bình cho biết: "Trong công tác tuyên truyền xử lý chúng tôi đặc biệt chú trọng yếu tố con người, đảm bảo an toàn các yếu tố có liên quan. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật."
Sự vào cuộc của lực lượng CSGT cả nước trong việc siết chặt quản lý hoạt động giao thông đường thủy nội địa là rất cần thiết.
Tuy nhiên, chỉ khi nào mỗi chủ phương tiện và hành khách tự giác chấp hành các quy định thay vì chỉ để đối phó với lực lượng chức năng thì hiệu quả trong đảm bảo ATGT đường thủy mới thực sự phát huy hiệu quả.