Thống kê trong dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia được trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV cho thấy: Năm 2013: có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần. Về mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia, báo cáo nêu, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở các hai giới đang gia tăng. Từ con số này cho thấy hành vi uống rượu đang ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên và tuổi uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa. Trong khi đó, theo 1 nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân tại 11 tỉnh vào năm 2015, có đến 70% số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến uống rượu, bia ở người chưa tới 30 tuổi, chủ yếu nằm trong nhóm tuổi từ 16 đến 25 tuổi. Ngoài ra, học sinh uống rượu bia dẫn đến hàng loạt vấn đề xã hội như nghỉ học, đánh nhau, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, có hành vi tình dục không an toàn... Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng: Đây là vấn đề nhức nhối, nếu chúng ta không hành động thì tình trạng này sẽ tiếp tục gia tăng: "Do đây là lứa tuổi còn trẻ, bồng bột, cá tính năng động, thích thể hiện bản thân cũng như chưa có được những suy nghĩ chín chắn về lời nói, hành động của mình. Lứa tuổi này có nhiều các mối quan hệ trong xã hội, bị ảnh hưởng lớn bởi tâm lý đám đông, dễ bị lôi kéo, kích động dẫn đến thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật".
Vào đầu tháng 10, Tổ chức y tế thế giới WHO đã đề xuất với ban soạn thảo dự luật tham khảo áp dụng ba biện pháp gồm kiểm soát "sự có sẵn" của rượu bia, kiểm soát marketing rượu bia, và chính sách thuế và giá. Đơn cử như nước Singapore cấm quảng cáo rượu bia trên toàn bộ các chương trình, thời gian cho trẻ em, cấm uống rượu bia tại một số địa điểm công cộng. Còn Malaysia cấm toàn bộ quảng cáo về rượu bia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do sự khác biệt về văn hóa, phát triển kinh tế nên ở nhiều địa phương, bia rượu vẫn luôn được xem như 1 thứ văn hóa, đặc sản vùng miền. Và Dự thảo Luật phòng chống tác hại Rượu bia ra đời với mục đích định hướng người dân tiêu dùng rượu, bia hợp lý chứ không cấm. Đặc biệt, đối tượng ưu tiên trong Luật sẽ hướng tới lứa tuổi thanh thiếu niên, dưới 18 tuổi. Bởi theo nhiều chuyên gia: Sử dụng rượu, bia ở trẻ em và thanh thiếu niên gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với người lớn do não bộ của một người trưởng thành tiếp tục phát triển đến tuổi 25. Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu y học ứng dụng VN cho biết: rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của hàng trăm loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh như: Rối loạn tâm thần kinh, động kinh, trầm cảm, lo âu. Giảm khả năng tư duy, học tập ở vị thành niên. Không những thế, rượu bia còn là chất có khả năng gây ung thư. "Việc sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên, thanh niên có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển đó trong khi não bộ của vị thành niên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi rượu bia. Đồng thời, tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao".
Dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia vẫn đang được tiếp tục lấy ý kiến đại biểu quốc hội. Dự thảo luật này đang rất được quan tâm bởi không chỉ liên quan tới việc bảo vệ sức khỏe của người dân nói chung, của trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên dưới 18 tuổi nói riêng mà còn liên quan tới cả các khía cạnh kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, để các điều luật có tính khả thi thì cần xem xét vấn đề thực tế và có những giải pháp hữu hiệu để đạt được mục đích như khi xây dựng Luật này.
Nguyễn Huệ