Tự tử bằng lá ngón không còn là điều mới mẻ với người dân vùng cao, nhưng nỗi đau về những cái chết bằng lá ngón vẫn tiếp tục là điều ám ảnh với những người còn sống. Khảo sát trong khoảng 6 năm trở lại đây cho thấy hơn 200 gia đình ở tỉnh Lai Châu đã mất đi người thân, xã hội mất đi nguồn lao động và thầy cô vĩnh viễn mất đi các em học sinh chỉ vì lá ngón.
Cách trung tâm thành phố Lai Châu chưa đầy 3km; bản Gia Khâu, xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu từng có 3 người chết vì tự tử. “Kẻ tiếp tay” cho những cái chết đó là một loài cây dại. Nó chẳng xa lạ gì với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi bởi nó mang tên... lá ngón. Nhìn căn nhà trống huơ, trống hoác chẳng có gì ngoài 3 tấm gỗ kê thành “giường” ngủ và... 2 cái nồi nhỏ dùng để nấu cơm, Chang A Sang, 22 tuổi- con trai cả của chị Thào Thị Dê kể: Năm 2014, sau khi cha mất, mẹ em đã tìm đến lá ngón để cứu rỗi bản thân khỏi sự buồn chán bởi chồng chết, kinh tế gia đình túng quẫn. Giờ đây, gánh nặng dồn lên vai Chang A Sang khi vừa làm bố, vừa làm mẹ nuôi hai đứa em nhưng A Sang cũng chỉ cầm cự được vài tháng khi bữa cơm vắng mẹ của 3 anh em chị có muối trắng. Bươm chải lo cho cuộc sống, Chang A Sang buộc phải gửi 2 đứa em là Chang A Do, 6 tuổi và là Chang Thị Dở, 8 tuổi sang nhà người bác nuôi hộ. Nhà bác Sùng Thị Say cũng chẳng khá giả gì nhưng thương những đứa cháu côi cút khi mất cả cha lẫn mẹ, vợ chồng bà Say lại cố gắng chạy ăn để lo cho lũ trẻ: “Tôi già rồi nhưng không bao giờ nghĩ đến cái chết cả dù có chuyện gì không vui thế mà thím muốn chết đã ăn lá ngón chết rồi để lại 2 đứa con cho tôi nuôi. Dù khó khăn tôi vẫn sẽ cố gắng nuôi lũ trẻ cho đến khi trưởng thành”.
Cách nhà bà Sùng Thị Say không xa là nhà anh Thào A Xỷ. Phải rất khó khăn, người đàn ông dân tộc Mông ấy mới mở lời chia sẻ: Anh và chị Sùng Thị Dia lấy nhau đã được 7 năm và có với nhau 3 mặt con. Hôm ấy, sau bữa rượu với bố vợ, A Xỷ sai chị Dia đi mua thêm phở về ăn nhưng vì không có phở, chị Dia đành mua mì tôm. Nghĩ vợ tiếc tiền, anh Xỷ bực tức đá bay đĩa thịt và chửi vợ. Chị Dia uất ức đã chạy vào rừng ăn lá ngón tự tử. Vợ chết, giờ thì Thào A Xỷ có ăn năn, hối hận cũng đã muộn. Anh chỉ còn biết làm việc, lao động cật lực để nuôi 3 đứa con, để lấp đầy khoảng trống thiếu mẹ mà những đứa trẻ sẽ phải gánh chịu suốt cả cuộc đời.
Những vụ tự tử bằng lá ngón ở Lai Châu chẳng còn là chuyện lạ. Nếu người ta tự tử vì muôn vàn lý do thì đằng sau những cái chết tức tưởi ấy, cũng có muôn vàn câu chuyện buồn về gia đình, cuộc sống của những thân của họ. Chị Sùng Thị Sính- Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nậm Loòng, thành phố Lai Châu cho biết: “Do nhận thức hạn chế nên nhiều chị em khi gặp khó khăn một chút là tìm đến lá ngón. Chúng tôi tuyên truyền cho các chị em là nếu tự tử bằng lá ngón, khi mình chết đi thì con mình sẽ chẳng có ai chăm sóc, rất tội cho các cháu”.
Theo khảo sát thực hiện trong vòng 6 năm từ 2012-2018 tại tỉnh Lai Châu, có đến hơn 70% người tự tử bằng lá ngón thuộc độ tuổi từ 18-50 tuổi, trong đó nhiều nhất là từ 18-34 tuổi. Việc những người tự tử phần lớn thuộc độ tuổi lao động cho thấy đằng sau cái chết thương tâm ấy là gánh nặng áo cơm, là gánh nặng kinh tế mà những người thân của họ như con cái, vợ chồng phải gánh chịu suốt cuộc đời. Như hoàn cảnh của gia đình chị Lù Thị Mỵ (SN 1993) ở bản Tà Hử, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên. Năm 2012 chị về làm vợ anh Vàng A Thếnh và có với nhau 1 con nhỏ 2 tuổi. Chỉ vì đi uống rượu say, về nhà 2 vợ chồng có lời qua tiếng lại mà ngày 6-1-2013 Thếnh lên đồi ăn lá ngón tự tử. Hơn 6 năm sau ngày Thếnh chết, chị Ly vẫn tiều tụy bởi con thiếu cha, vợ mất chồng, bởi 3 miệng ăn của gia đình vốn trông vào Thếnh nay không biết bấu víu vào đâu.
Từ thực tế các vụ tự tử bằng lá ngón xảy ra trên địa bàn và qua nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc; Thiếu tá Hà Thái Hoàn- Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho rằng: Tự tử có tính lây lan, tâm lý bắt chước trong cộng đồng. Như trường hợp các em nhỏ, chưa ý thức được hành vi của mình, các em đang tuổi ăn, tuổi chơi thế mà khi có khúc mắc trong cuộc sống cũng bắt chước người lớn ăn là ngón để tìm đến cái chết. Đây chính là hệ lụy đáng sợ nhất mà nạn tự tử đang đe dọa cuộc sống của đồng bào dân tộc: “Rõ ràng nó có tính lây lan, sự bắt chước về cách thức tiến hành tự tử là một hiện tượng tâm lý phổ biến trong các địa bàn nhất là ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Hệ lụy nó để lại chính là tư tưởng, nhật thức của một bộ phận các em nhỏ ngày nay”.
Lê Dung