(ANTV) - Khi đăng thông tin về sổ đỏ của lô đất cần rao bán, không ai nghĩ rằng những thông tin này sẽ xuất hiện trên một cuốn sổ đỏ khác một cách tinh vi, thậm chí lô đất bị bán đi lúc nào chủ nhân cũng không hay biết. Hình thức lừa đảo này đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước, và mới đây là vụ việc được vừa bị phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa lật tẩy. Bằng cách nào các đối tượng phạm tội đã thực hiện trót lọt được hành vi?
Cuối tháng 5.2021, bà Trần Thị Hường, trú tại đường Quang Trung, Nha Trang rất bất ngờ khi nhận được thông tin, lô đất do bà đứng tên chủ sở hữu ở số 49B Lam Sơn, Nha Trang đã được bán cho một cặp vợ chồng ở thành phố Hồ Chí Minh với giá hơn 5 tỉ đồng.
Bán tính, bán nghi vì sổ đỏ lô đất bà vẫn còn giữ và chưa hề bán cho ai, tuy nhiên khi làm việc với cơ quan công an bà mới biết, sổ đỏ mà bà đang giữ là sổ giả và chiếc sổ thật thì đã bị vị khách đến hỏi mua đất gần một tuần trước đó đánh tráo.
Thông qua một trang Web mua bán, họ biết thông tin về mảnh đất tại 49B Lam Sơn, Nha Trang được rao bán với giá 5,2 tỷ. Liên hệ với số điện thoại đăng bán và trực tiếp đến xem, kiểm tra mảnh đất trên là thật, hai bên đã thoả thuận giao dịch qua điện thoại mua bán với giá 5,15 tỉ đồng.
Hai bên hẹn nhau tại một văn phòng công chứng, và với một màn kịch hết sức tinh vi, các nạn nhân đã bị đối tượng lừa chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Khánh Hòa đã xác định một nhóm nghi can trú tại Hà Nội và Hải Dương. Thủ đoạn của nhóm này rất tinh vi: khi nắm được thông tin về sổ đỏ rao trên mạng, chúng tiến hành làm giả một cuốn y như thật. Tiếp theo chúng tiếp cận chủ lô đất để tìm cách tráo lấy sổ đỏ thật.
Có được sổ đỏ thật, chúng tiếp tục làm giả các giấy tờ liên quan rồi phân cho các đối tượng đóng vai như những người chủ thật của lô đất. Quá trình giao dịch những đối tượng này sẽ đứng ra bán rồi chiếm đoạt tiền.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố bắt tạm giam đối với Dương Thị Hồng (64 tuổi) và Đỗ Hữu Bình (52 tuổi) đều trú tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cơ quan Công an, hình thức lừa đảo tinh vi này đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong nước và lần đầu tiên xuất hiện ở Khánh Hòa. Qua vụ việc này cơ quan Công an cũng khuyến cáo, đối với người bán đất, khi đăng thông tin bán đất, chỉ nên đăng thông tin về lô đất, không đăng thông tin về thân nhân chủ lô đất.
Đối với người mua, cần hết sức thận trọng, nghiên cứu, kiểm tra kỹ các yếu tố, thông tin về pháp lý khi mua các tài sản lớn như bất động sản, tránh để bọn tội phạm lợi dụng gây án.