(ANTV) - "Dịch bệnh tả lợn châu Phi". Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có thông báo về việc xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu phi tại Hưng Yên và Thái Bình với 3 ổ dịch tại các huyện, thị xã.
Ở thể quá cấp tính, lợn chết nhanh, không có biểu hiện triệu chứng
Ở thể cấp tính, lợn sốt cao đến 42 độ C, không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lưng cong, di chuyển bất thường.
Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu.
Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 hoặc 20 ngày kể từ khi mắc bệnh. Tỷ lệ chết cao tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm virus thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang virus tả lợn châu Phi suốt đời.
Bệnh dịch lợn tả châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.
Dịch tả lợn châu Phi có lây nhiễm sang người không?
Dịch tả lợn châu Phi khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng, mà cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm mới có thể phát hiện chính xác virus dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, Cục đã huy động 8 phòng thí nghiệm trên cả nước xét nghiệm miễn phí các mẫu bệnh phẩm từ lợn: 8 phòng thí nghiệm gồm 7 phòng thí nghiệm của 7 Chi cục Thú y các vùng, từ vùng 1 đến vùng 7 ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh và 1 phòng thí nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương.
Khi nhận thấy bất cứ nghi vấn nào, người dân cần gửi ngay các mẫu phẩm tới các địa chỉ trên để tiến hành xét nghiệm, thông báo cho cơ quan thú y và chính quyền cơ sở nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro và chủ động công tác phòng, chống dịch.
"Dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không?" Câu hỏi được tìm kiếm trên mạng nhiều nhất trong 3 ngày vừa qua. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người.
Theo đó, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh sang người.
Mặc dù vậy, cơ quan y tế cũng khuyến cáo người dân, không vì bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người mà chủ quan và vì lợi ích trước mắt vẫn tiến hành các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
Lựa chọn và chế biến thịt lợn để đảm bảo an toàn
Nên mua thịt lợn ở nơi uy tín, thịt có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm dịch
Trường hợp thịt mua ở chợ: Chú ý các dấu hiệu nhận biết:
Về màu sắc, cảm quan: Thịt lợn sạch có màu hồng tươi trong khi thịt lợn siêu nạc màu đỏ đậm khác thường, sáng và bóng. Mặt da có thể xuất hiện những đốm đỏ.
Với thịt lợn sạch, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao khi ấn xuống, thớ thịt đều, đường cắt mặt thịt khô ráo. Thịt tồn dư chất cấm thường khô cứng hơn và ít đàn hồi.
Khi chế biến: Thịt lợn sạch luộc lên nước trong, không váng bẩn. Khi rang miếng thịt nở ra, không ra nước, có mùi thơm.
Thịt siêu nạc hoặc nuôi cám tăng trọng khi luộc thường nhiều váng, nước có mùi hôi, lúc rang ra nhiều nước, ăn khô.
Thịt nhiễm ký sinh trùng: Phổ biến nhất là lợn bị nhiễm giun sán.
Cần quan sát kỹ trước khi mua, để ý những vùng thịt có gân mỡ như thịt vai, thịt bắp, thủ nếu thấy những hạt như hạt gạo nếp thì không nên mua.