(ANTV) - Liên quan đến cuộc xung đột tại Trung Đông. Israel hiện đã nối lại chiến dịch quân sự tại Dải Gaza, trong bối cảnh những nỗ lực nhằm gia hạn lệnh ngừng bắn trước đó không đạt kết quả. Quân đội Israel hôm qua cũng công bố bản đồ chi tiết Dải Gaza, đánh dấu những khu vực an toàn và kêu gọi người dân Palestine ở đây tuân thủ các chỉ dẫn để đảm bảo an toàn.
Người phát ngôn quân đội Israel cho hay bản đồ và các chỉ dẫn sẽ là hướng di chuyển an toàn cho người dân Gaza trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột, đồng thời khẳng định Tel Aviv đang nỗ lực hết sức để phân biệt giữa dân thường và các nhóm vũ trang trong khu vực.
Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas kết thúc vào hôm qua (1/12), sau khi Hamas không cung cấp danh sách các con tin sẽ được thả trước thời hạn đã định theo thỏa thuận. Một giờ trước khi lệnh ngừng bắn kết thúc, Israel thông báo đánh chặn một số rocket phóng từ Dải Gaza.
Trong khi đó, theo truyền thông Palestine, đã có 54 người ở Dải Gaza thiệt mạng kể từ khi giao tranh tái bùng phát. Việc chở hàng viện trợ và nhiên liệu tới Gaza qua cửa khẩu Rafah hiện cũng đã dừng lại.
LHQ nhấn mạnh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về Biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), hôm qua (1/12), các nhà đàm phán đã công bố dự thảo đầu tiên của thỏa thuận LHQ về hành động vì khí hậu, trong đó kêu gọi các nước cắt giảm hoặc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng kêu gọi chấm dứt hoàn toàn việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Phát biểu tại COP28, Tổng thư ký Guterres nhận mạnh thế giới chỉ có thể kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C nếu con người dừng hoàn toàn, chứ không phải cắt giảm, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ông kêu gọi các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch hướng tới chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo giới quan sát, các thuật ngữ “loại bỏ” và “giảm dần” nhiên liệu hóa thạch sẽ là chủ đề tranh luận trong thời gian tới. Trong đó, Đức đề xuất 3 giải pháp gồm tăng gấp 3 lần mức tiêu thụ năng lượng tái tạo đến năm 2030, tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng và hoàn tất thỏa thuận loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch./.