(ANTV) - Theo số liệu thống kê cho biết thị phần vận tải của đường sắt hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử khi chỉ chiếm 0,2 sản lượng vận chuyển hành khách, và 1,2 sản lượng vận chuyển hàng hóa. Với chiều dài xuyên suốt đất nước, ngành đường sắt cũng là một trong những ngành có lượng lao động lớn nhất trên cả nước.
Những bất cập về đường sắt có thể kể đến điển hình đó là những bất cập về hạ tầng đang hiện hữu đó là đường ngang dân sinh giao cắt với đường bộ. Và cũng còn nhiều bất cập khác dẫn khiến ngành đường sắt chưa thể thay đổi được sau rất nhiều thời gian.
Tại đường ngang dân sinh trên địa bàn huyện Thường Tín, TP Hà Nội, dù liên tục được duy tu bảo dưỡng nhưng tình trạng xuống cấp vẫn xảy ra. Đặc biệt, lớp đá này được trải bên dưới và xung quanh tà vẹt tạo nên một lực ma sát, góp phần cố định, đảm bảo an toàn khi có tàu chạy qua nhưng hầu hết đều rơi vãi ra đường gây mất an toàn giao thông cho cả đường sắt và đường bộ....Và tình trạng vi phạm lấn chiếm hàng lang ATGT đường sắt là điều diễn ra khá thường xuyên.
Không chỉ còn bất cập về hạ tầng, hàng năm Bộ GTVT giao dự toán ngân sách cho Tổng công ty Đường sắt VN để ký hợp đồng với 20 công ty của đơn vị với tổng số hơn 11.300 lao động trong khối hạ tầng, đảm bảo hệ thống đường ngang và đường sắt được duy tu, bảo trì, gắc chắn thường xuyên, đảm bảo an toàn cho tàu chạy. Nhưng từ tháng 11/2018, Bộ GTVT đã bàn giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, những vướng mắc về ngân sách mới nảy sinh.
Tuy nhiên có quan điểm cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng chậm giao dự toán ngân sách năm 2020 cho Tổng công ty đường sắt là do lỗi chủ quan của các bên liên quan vì đây không phải là việc đột xuất và bất ngờ. Đặc biệt, việc xây dựng, thực hiện dự toán, chuyển đổi đơn vị phải làm từ giữa năm 2019, chứ không phải chờ tới thời điểm bây giờ. Do đó, cần phải tính toán các phương án phù hợp với thực tiễn đang diễn ra.
Với hàng nghìn km đường sắt chạy dọc đất nước, hệ thống đường sắt Việt Nam vai trò rất đáng kể trong vận tải hàng hóa, hành khách, thực hiện nhiệm vụ chính trị rất lớn. Tuy nhiên, với tuổi đời hàng trăm năm, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt đã xuống cấp và chiếm thị phần nhỏ so với các phương thức vận tải khác. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc, Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách riêng để có thể thay đổi diện mạo của ngành đường sắt trong thời gian tới.