(ANTV) - Theo Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu bia. Rượu bia cũng xếp thứ 5 trong số 15 yếu tố nguy cơ sức khoẻ. Điều đáng lo ngại hơn là có rất nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết người gần đây đều do do lạm dụng rượu bia. Và để hạn chế những tác hại này thì Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã được ban hành và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
Đồng tình, hoàn toàn ủng hộ là ý kiến của đại đa số người dân đối với Bộ luật phòng chống tác hại rượu bia. Không được uống rượu bia khi lái xe, không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi; chủ quán phải có nghĩa vụ gọi taxi để đưa khách về nhà nếu có sử dụng rượu bia. Đó là một số quy định mới của Luật phòng chống tác hại rượu bia.
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng quy định hành vi xúi giục, kích động, khiêu khích người khác uống rượu bia là vi phạm pháp luật. Quy định này kỳ vọng sẽ cải thiện, thay đổi lối sống, cách ứng xử vàvăn hóa nhậu của đại bộ phận người dân. Đây là điều vô cùng cần thiết khi mà hiện nay, tại Việt Nam gần 60- 70% các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia.
Có thể nói việc sử dụng bia rượu ở mức độ phù hợp trong cuộc vui, khi ngoại giao, tiệc tùng là không xấu. Nhưng "văn hóa ăn nhậu" như ở nước ta thì có nhiều tiêu cực. Hậu quả từ lạm dụng rượu bia là khôn lường, do vậy việc có một đạo luật để hạn chế bớt tình trạng này rất cần thiết. Người dân kỳ vọng khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là hạn chế thiệt hại hàng trăm mạng người, thiệt hại về vật chất hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm do tai nạn giao thông.