(ANTV) - Năm 2019 sẽ khép lại, là một năm mà nền kinh tế Việt Nam có những diễn biến sôi động với nhiều sự kiện lớn, nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đó, vẫn còn không ít vấn đề mới nảy sinh, những thách thức đang dần lộ rõ.
1. Năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng GDP đạt trên 7%
Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - tăng 11,29% và các ngành dịch vụ thị trường. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
2. Năm thứ ba liên tiếp kiểm soát được lạm phát dưới 4%
Tính bình quân cả năm, CPI chỉ tăng 2,79%. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2019 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2019.
3. Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt trên 500 tỷ USD
Tính đến ngày 30/12, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 514 tỷ USD, con số cao kỷ lục từ trước đến nay, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất toàn cầu. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục, trong 11 tháng năm 2019, thặng dư đã lên tới 10,94 tỷ USD. Trong đó, sản phẩm ngành chế biến chế tạo chiếm 84% trong cơ cấu hàng xuất khẩu.
4. Quốc hội thông qua nhiều quyết sách kinh tế
Năm 2019, 18 Luật và 27 Nghị quyết được Quốc hội thông qua nhiều quyết sách kinh tế quan trọng như: Luật đầu tư công sửa đổi, Luật chứng khoán, Luật thuế sửa đổi, 2 Nghị quyết cho phép Chính phủ đươc chọn Nhà đầu tư sân bay Long Thành. Đáng chú ý là các quyết sách ảnh hưởng tới người lao động cả nước đó là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
5. Việt Nam - EU ký Hiệp định thương mại tự do
Sau 9 năm đàm phán, ngày 30/6, Việt Nam và EU đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Hiệp định mở ra cơ hội lớn cho thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, đây cơ hội gia tăng xuất khẩu cho nhiều mặt hàng lợi thế như dệt may, nông thủy sản, đồ gỗ...
6. Dịch tả lợn châu Phi hoành hành
Dịch tả lợn Châu Phi có thể coi là đại dịch bùng phát mạnh nhất trong năm 2019, xảy ra tại 8.526 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Khoảng 6 triệu con lợn với tổng trọng lượng hơn 340.000 tấn đã bị tiêu hủy, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Việc thiếu hụt sản lượng đã đẩy giá thịt lợn tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng vài tháng.
7. Thị trường bất động sản 2019 - một năm nhiều biến cố
Thị trường bất động sản năm 2019 được đánh giá là một năm với nhiều gam màu xám, nổi cộm là tình trạng phân lô bán nền, lập dự án "ma". Các doanh nghiệp như Địa ốc Alibaba, Hoàng Kim Land, Hưng Thịnh Phát... đã lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng từ việc bán các dự án "tự vẽ".
Những tháng cuối năm, chủ đầu tư dự án Cocobay thông báo đến khách hàng dừng việc chi trả mức lợi nhuận 12% theo như đã cam kết đã kéo theo nỗi lo ngại vỡ trận căn hộ khách sạn - condotel sau thời gian bùng nổ mạnh mẽ.
8. Quyết liệt cuộc chiến phòng, chống gian lận, giả mạo xuất xứ
Năm qua, nhiều tên tuổi lớn như Asanzo, Seven A.M,... đã bị phát hiện các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng để tiêu thụ hàng hóa trong nước. Cùng với đó, không ít doanh nghiệp nước ngoài cũng lợi dụng xuất xứ Made in Vietnam nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại... Ngay lập tức, Chính phủ đã đưa ra Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng ngừa thương mại và gian lận xuất xứ. Và lần đầu tiên dự thảo thông tư về tiêu chí hàng Made in Vietnam được Bộ Công thương cũng đã được đưa ra.
9. Xét xử nghiêm minh những vụ án kinh tế, tham nhũng
Năm 2019 đã đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng. Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, hai cựu bộ trưởng cùng bị bắt vì tội Nhận hối lộ trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG). Đây cũng là vụ án điển hình về khắc phục hậu quả, từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra đã thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng. Việc xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đã hiện quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân.