(ANTV) - Tính chung cả năm 2022, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn 1,5 lần so mục tiêu đặt ra. Trong khi đó lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Như vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khách nội địa vẫn đang có sự chênh lệch ở một khoảng cách khá lớn. Tại sao Việt Nam lại "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế? Câu hỏi này hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, doanh nghiệp và dư luận.
Để “xốc” lại ngành công nghiệp không khói, Việt Nam đã quyết định mở cửa du lịch từ 15.3.2021 - thời điểm mở cửa này sớm hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cùng với đó, Việt Nam cũng khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh.
Nhiều quy định đã được cởi mở, giảm thiểu các thủ tục đối với khách du lịch như không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, dừng việc khai báo y tế với Covid-19 đối với người nhập cảnh. Ở trong nước, cũng đã có nhiều biện pháp nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp như: chính sách giảm giá tiền điện, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành.
Đặc biệt, trong Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã quyết định cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng. Chính sách này có ý nghĩa rất quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển sau một thời gian phát triển “chật vật” sau đại dịch.
Tuy nhiên, tất cả đã không giúp mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 thành hiện thực.
Việc tìm ra các nguyên nhân để giải quyết bài toán làm sao để việc thu hút khách du lịch quốc tế không “đi trước về sau”trong năm 2023 là vấn đề đang được đặt ra. Liệu rằng các chính sách hỗ trợ cần phải sửa đổi, bổ sung những gì?
TS Nguyễn Thu Thủy - chuyên gia du lịch chia sẻ với Truyền hình CAND.