(ANTV) - Là một trong những vựa rau lớn nhất nhì của Hà Nội, thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung ứng mặt hàng này cho thị trường tiêu dùng Thủ đô. Đặc biệt, khi Hà Nội đang trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid 19 thì vùng trồng rau an toàn này ngày càng phát huy hiệu quả.
Gia đình ông Đàm Văn Thắng là một trong những nông hộ canh tác rau màu lâu năm tại thôn Đông Cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình ông Thắng vẫn cố gắng duy trì sản xuất với diện tích trên 2 sào rau an toàn.
Ông Đàm Văn Thắng, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: "Trong thời điểm giãn cách xã hội thì chúng tôi vẫn cố gắng sản xuất rau, đảm bảo cung ứng tốt cho thị trường. Xã Tráng Việt chúng tôi là vựa rau lớn của Hà Nội. Tất cả mọi công đoạn sản xuất vẫn tuân thủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi ra đồng hàng ngày vẫn tuân thủ chặt chẽ quy định 5K của Bộ Y tế."
Ngay cạnh vườn nhà ông Thắng, bà Nguyễn Thị Hải cũng đang miệt mài chăm sóc những luống rau cải ngọt đang lên xanh tốt, chỉ khoảng hơn 2 tuần nữa là đến kỳ thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Hải, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: "Thời gian này, chúng tôi chủ yếu trồng rau ăn lá. Mỗi sào canh tác tốt có thể cho thu hoạch khoảng 8 tạ rau. Hiện, việc tiêu thụ tương đối ổn vì rau luôn là thực phẩm thiết yếu, thế nên chúng tôi cũng đỡ khó khăn phần nào.
Theo thống kê, hàng chục héc-ta canh tác rau ăn lá tại thôn Đông Cao vẫn được bà con nông dân duy trì ổn định trong thời gian qua. Trung bình mỗi ngày, vựa rau này cung ứng hơn 15 tấn rau các loại cho thị trường Hà Nội, góp phần bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao cho biết: "Với quy mô vùng trồng rau gần 200 ha, hiện sở ngành cũng như địa phương tiếp tục tạo điều kiện về thông quan cho xe chuyên chở rau an toàn từ xã Tráng Việt vào thành phố. Cùng với đó là kiểm soát chặt giá cả thị trường để ổn định giá bán cho sản phẩm rau an toàn, giúp nông dân yên tâm duy trì sản xuất."
Liên quan đến vấn đề giá, ghi nhận cho thấy giá rau ăn lá bà con nông dân xã Tráng Việt bán ra thị trường vào khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg. Đây là mức giá chấp nhận được trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng và bảo đảm người nông dân vẫn có lãi.
Ông Nguyễn Hà Sơn, chuyên gia kinh tế cho biết: "Nhờ chất lượng rau ở đây được Sở NN&PTNT Hà Nội chứng nhận an toàn, sản phẩm đã xây dựng được một số chuỗi liên kết. Hiện, nguồn rau trên địa bàn xã đã thâm nhập được vào hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội. Tôi nghĩ, cần nhân rộng những mô hình này để nguồn rau Hà Nội lúc nào cũng dồi dào, phong phú."
Trong thời gian tới, với nhu cầu về sử dụng sản phẩm rau sạch, rau an toàn ngày càng cao của người dân, vùng trồng rau mê Linh dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP phục vụ thị trường. Ngoài ra sẽ thực hiện chuỗi logistics nhằm giảm bớt công lao động, chi phí sản xuất, từ đó giúp rau an toàn được bảo quản tốt hơn.
Đà Nẵng nỗ lực đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho khu vực phong tỏa
Phường Mân Thái là một trong 5 phường đang thực hiện cách ly y tế ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Vì vậy việc đi chợ của người dân sẽ do tổ dân phố tổng hợp danh sách và liên kết với nhà cung ứng. Tuy nhiên, dù đặt hàng từ 5 ngày trước nhưng người dân vẫn chưa nhận được hàng do nhà cung ứng không đủ năng lực. Do đó, đại diện các tổ dân phố tại đây đã chuyển sang đặt hàng từ các nhà cung cấp khác.
Chị Đinh Thị Mai, Phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết: "Bữa trước chung cư của mình được hợp tác với nhà cung cấp khác nhưng mà họ không có hàng để cung cấp cho tổ dân phố nên là Ban quản lý chung cư họp lại để đổi nhà cung cấp mới."
Trước đây, việc đặt mua lương thực, thực phẩm sẽ do người dân gửi danh sách nhu cầu của gia đình cho tổ trưởng tổ dân phố để tổng hợp, kết nối trực tiếp tới nhà cung ứng. Vì vậy, khi nhà cung ứng không đủ năng lực, tự hủy đơn sẽ dẫn đến tình trạng bị động, thiếu lương thực cho người dân. Để giải quyết vấn đề này, các địa phương đã linh hoạt thay đổi, tìm nguồn cung ổn định và việc tổng hợp danh sách, kết nối với nhà cung ứng sẽ do phường chịu trách nhiệm thay vì tổ dân phố để đảm bảo lương thực cho người dân tại các khu vực phong tỏa.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết: "Còn một số ở một vị trí nào đó giao đơn hàng còn chậm, ví dụ mới đây có công ty lực chỉ có thể giao được 300 đơn hàng nhung nhận quá tải lên 1.000 - 2.000 ngày khi nhận thông tin chung tôi dừng đơn vị cung ứng và thay đơn vị khác đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu cho người dân. Và chúng tôi cũng sẽ giao phường tổng hợp danh sách từ các tổ dân phố, sau đó kết nối với nhà cung ứng để đảm bảo đồng bộ và kiểm soát được."
Hiện tại, trước nhu cầu tăng cao, để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm, quận Sơn Trà cũng đang bổ sung nguồn cung rau xanh từ vùng chuyên canh nông nghiệp Hòa Vang và các vùng lân cận thuộc địa bàn của tỉnh Quảng Nam.
Bên cạnh đó, để hạn chế lây nhiễm trong khu vực phong tỏa, việc tổ chức hoạt động từ thiện, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân tại vùng cách ly, phong tỏa đều phải thông qua chính quyền và ủy ban mặt trận tổ quốc cơ sở nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên địa bàn.