(ANTV) - Thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân thực hiện cách ly xã hội, ở nhà, tăng cường sử dụng mạng Internet để học tập, làm việc, giải trí và mua sắm trực tuyến, các đối tượng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng gia tăng hoạt động đặc biệt là trên mạng viễn thông, Internet với cách thức, thủ đoạn thay đổi liên tục.
Giả danh cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo là một trong những hình thức phổ biến trong thời gian qua. Một bạn trẻ cũng vừa bị các đối tượng lừa đảo theo cách thức như vậy. Với kịch bản được xây dựng rất kỹ lưỡng, các đối tượng giả danh là người của Bộ Y tế, Bộ Công an, sử dụng website giả mạo Báo Công an nhân dân đưa lệnh bắt giữ giả mạo, khiến người dân mắc bẫy để yêu cầu chuyển 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tỉnh táo và kịp thời nhận ra các thủ đoạn lừa đảo như bạn trẻ nói trên. Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, riêng trong tháng 5/2021, đã ghi nhận 79.215 trang giả mạo để lừa đảo người dùng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo người dân tuy nhiên các đối tượng cũng thay đổi chiêu thức, thủ đoạn liên tục.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia an ninh mạng cho biết: "Các kịch bản tấn công lừa đảo trực tuyến hiện nay rất đa dạng lợi dụng các con đường giao tiếp của chúng ta như thông qua các phần mềm chat, tin nhắn, thông qua mạng xã hội hay thông qua cuộc gọi điện thoại, email. Những kẻ lừa đảo trực tuyến sẽ tìm cách là xây dựng những kịch bản mạo danh bạn bè, các chương trình khuyến mãi, các chương trình trúng thưởng và dụ chúng ta mở các link hoặc các file để từ đó chiếm đoạt tài khoản."
Đặc biệt, nắm được tâm lý của người dân, không ít đối tượng đã xây dựng những kịch bản lừa đảo mới lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 như: chào mời tiêm vắc xin phòng COVID-19 hay bán các thiết bị y tế và yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để chiếm đoạt tài sản, thậm chí đăng tin giả mạo các hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh để quyên góp từ thiện.
Thiếu tá Mạc Xuân Hương, Giảng viên Khoa Hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: "Đối tượng tìm hiểu, nghiên cứu về đặc điểm tâm lý của người dân liên quan đến sự kém hiểu biết cũng như thật thà cả tin của người dân để tiến hành những hành vi phạm tội. Và trong những trường hợp này để thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo được thuận lợi, được trót lọt thì đối tượng thường nghiên cứu cụ thể về tâm lý của người bị hại, và nhu cầu cấp thiết của người bị hại trong giai đoạn hiện nay, tìm hiểu về các thiết bị y tế, về những loại dụng cụ đang phục vụ công tác phòng chống dịch để tiến hành các hành vi."
Một đường dây lừa đảo đã bị lực lượng công an tỉnh Hà Tĩnh triệt phá. Chúng vừa giả làm đầu mối bán hàng tuyển công tác viên online, vừa giả làm khách hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đó chỉ là một ví dụ trong rất nhiều thủ đoạn lừa đảo lợi dụng thương mại điện tử đang được các đối tượng sử dụng hiện nay.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên BCH Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: "Trong giai đoạn COVID này đặc biệt là gần đây thì việc số lượng người tham gia mua bán online tăng rất nhiều, đặc biệt là so với các đợt trước đây thì sẽ có những người mới tham gia mua sắm online lần đầu tiên. Những người này, do mới giao dịch nên kinh nghiệm của họ còn rất là ít chính vì vậy những kinh nghiệm rất sơ đẳng đã được nhắc nhở cách đây chục năm rồi họ vẫn phạm phải do mới tham gia."
Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo đặc biệt là lừa đảo trên mạng Internet và mạng viễn thông, hiện nay, lực lượng công an cùng các cơ quan chức năng cũng đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mới.