Thứ Tư, 15/01/2025 18:50 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Vì nhân dân phục vụ

KỲ 1: NHỮNG “SỨ GIẢ” HOÀ BÌNH TRÊN VÙNG ĐẤT NAM SUDAN

Lê Dung - Nguyễn Huệ

(ANTV) - Thưa các bạn! Cách Việt Nam hơn 8000km, sau 13 năm độc lập, Cộng hòa Nam Sudan vẫn là quốc gia nghèo nhất châu Phi, người dân khốn khổ, oằn mình bởi hậu chiến, dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán…. Trước tình trạng khủng hoảng nhân đạo ngày càng leo thang, bất bình đẳng gia tăng, xung đột dai dẳng; 50 nước trong đó có Việt Nam đã cử sỹ quan cảnh sát tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình ở quốc gia này. Tính từ tháng 10/2022 đến nay, 4 tổ công tác, 12 sỹ quan công an Việt Nam đã lên đường sang Nam Sudan.

Thủ đô Juba, cộng hòa Nam Sudan (phiên âm: Nam Su-đăng) một ngày tháng 4, trời nắng gắt, con đường tuần tra từ căn cứ Tomping bụi mù đất đá…Tiếng súng nổ phía xa khiến Thượng tá Vũ Việt Hùng đang lái chiếc xe bán tải bỗng khựng lại. Sau khi trao đổi nhanh với nhóm sỹ quan đang ngồi trên xe; rất nhanh chóng, thượng tá Hùng bẻ lái quay trở lại con đường cũ để trở về căn cứ báo cáo tình hình.

"Hôm đấy trên đường đi làm nhiệm vụ từ căn cứ đến chỗ đồn cảnh sát đấy thì khoảng 10km. Thường thì khi đi mình sẽ lái 1 xe, có 1 xe hộ tống, thì tự dưng phía trước nghe thấy tiếng súng nổ đùng đoàng, dân tình chạy tán loạn, không biết là có việc gì. Cuối cùng là hôm ấy phải nhanh chóng quay xe, rời khỏi ngay chỗ đấy. Lúc đấy rất là nguy hiểm, hỗn loạn luôn, mà đường có phải như này đâu, đường gập ghềnh sỏi đá,  may là kĩ năng lái xe tốt. Hôm ấy chính anh là người lái, mà hiện trường chỉ cách chỗ súng nổ 100-200m thôi, ngay phía trước mình, nếu mà đi thêm tí nữa thì rất là nguy hiểm, tên bay đạn lạc là nguy hiểm." - Thượng tá Hùng chia sẻ.

Là 1 trong 3 sỹ quan thuộc tổ công tác số 1 làm nhiệm vụ tại phái bộ UNMISS - Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan; công việc hàng ngày của Thượng tá Vũ Việt Hùng là đi tuần tra và xây dựng, phát triển năng lực cho cảnh sát địa phương. Việc thường xuyên ra ngoài tuần tra đã cho anh nhiều kinh nghiệm thực chiến trong phán đoán tình hình và đưa ra giải pháp để giải quyết kịp thời các tình huống bất ngờ.

"Hồi ấy là mùa mưa, đường sạt lở, hôm ấy mới đi được 1 nửa, thường dự kiến là đi khoảng tầm 6 tiếng là về đến căn cứ. Mới được 3 tiếng, đến chỗ ấy dốc, rất là dốc, mưa sạt lở, hình thành rãnh rất là sâu, đường thì rất là trơn, thì có 1 xe chở dầu của người dân, doanh nghiệp bị lật ở đấy, chắn ngang đường, cuối cùng là mình bị mắc kẹt ở đấy. Tình huống ấy cũng khá nguy hiểm vì vùng đấy có phiến quân. Khi mắc kẹt thì cũng phải ngủ ở ngay đấy thôi, chỗ đó lại không có sóng điện thoại, đồ ăn thì vì xác định là về căn cứ luôn nên cho hết dân rồi, nước cũng cho gần hết. Nó nguy hiểm ở chỗ là mình cắm trại ở đấy rắn rết rất nhiều, thứ hai nữa là giữa đồng không mông quạnh ở vùng bất ổn thì rất dễ bị tấn công, bị cướp."

Chùm ảnh: Thượng tá Vũ Việt Hùng bên các đồng nghiệp tại căn cứ Tomping, Phái bộ UNMISS

Kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm trong quá trình hơn 1 năm thực thi nhiệm vụ giữ gìn hoà bình ở Nam Sudan, Thượng tá Vũ Việt Hùng bảo rằng: Cho đến giờ, anh vẫn nhớ như in những con đường đất bụi mù ở thủ đô Juba vào mùa khô, những chiếc lều bạc phếch sơ sài của người dân châu Phi, những em bé da đen chân trần chạy trong mưa với ánh nhìn lấm lét, sợ hãi mỗi khi nghe tiếng súng… Ở mảnh đất nhiều dịch bệnh, đói khổ và bất ổn ấy; an ninh, sự sống của người dân bị đe doạ nghiêm trọng. Nhiệm vụ của Thượng tá Hùng cũng như cảnh sát gìn giữ hoà bình các nước là hỗ trợ người dân, giúp đỡ lực lượng chức năng địa phương các kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ an ninh, an toàn cho cuộc sống nơi đây. Thượng tá Vũ Việt Hùng cho biết: "Như Nam Sudan sau xung đột thì phát triển gần như từ con số 0, lực lượng Cảnh sát gần như chưa có gì nên khi phái bộ đến thì phải hỗ trợ từ đầu, từ xây dựng chính sách, xây dựng cơ cấu tổ chức rồi các luật liên quan thì đó là về mặt vĩ mô. Về mặt trực tiếp thì nâng cao năng lực và phát triển thì có nhiều cách, ví dụ như cùng với các đồng nghiệp tìm hiểu về năng lực của họ, nhu cầu của họ, chia sẻ kinh nghiệm, xem họ làm như thế nào, họ có vướng mắc khó khăn gì thì mình tư vấn nghiệp vụ cho họ."

Để có thể trở thành 1 cảnh sát gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc, những sỹ quan công an như Thượng tá Vũ Việt Hùng, Thượng tá Lương Thị Trà Vinh phải trải qua một quá trình huấn luyện dài ngày với những kỳ kiểm tra, sát hạch gắt gao ở trong và ngoài nước. Ngoài thể lực tốt, giỏi ngoại ngữ, trình độ am hiểu pháp luật…, theo Thượng tá Trà Vinh; các sỹ quan Liên Hợp Quốc còn phải thuần thục kỹ năng lái xe, bắn súng... Bên cạnh đó là hàng loạt các kỹ năng mềm để phục vụ công tác ở môi trường phái bộ như kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng sinh tồn trong môi trường khó khăn và xung đột, kỹ năng sử dụng bản đồ, bộ đàm và các thiết bị liên lạc vệ tinh, kỹ năng sơ cứu thương và nhận biết về bom mìn….

"Hằng ngày công việc của tôi khá bận với lịch trình dày đặc của các cuộc họp sắp xếp lịch hoạt động nghiệp vụ tại địa bàn, cập nhật thông tin tình hình, phối hợp các đơn vị quân đội, các tổ chức dân sự, tổ chức Liên hợp quốc trong sắp xếp lịch tuần tra hỗn hợp đến các địa bàn bạc tại bang có thủ đô Juba. Công việc đòi hỏi thì vừa phải có khả năng bao quát vừa đòi hỏi sự cẩn thận tỉ mỉ. Trước khi được tuyển dụng vào các vị trí công việc cụ thể, tất cả các sĩ quan đều trải qua nhiệm vụ đầu tiên tại đội tuần tra. Chúng tôi phát huy khả năng công tác vận động quần chúng, thu thập thông tin, cũng là dịp để có thể tìm hiểu văn hóa bản địa, phong tục tập quán của Nam Sudan. Hoạt động tuần tra này cũng là để xây dựng hình ảnh đẹp và ý nghĩa của Liên Hợp Quốc, sự hiện diện của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan." - Thượng tá Lương Thị Trà Vinh chia sẻ.

Chùm ảnh: Thượng tá Lương Thị Trà Vinh: Cách tốt nhất để làm vơi đi nỗi nhớ nhà là làm cho mình thật bận rộn

 Là sĩ quan tham mưu nghiệp vụ tại phòng công tác nghiệp vụ Juba; thượng tá Trà Vinh ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế bởi nụ cười hồn hậu và tác phong nhanh nhẹn. Chị bảo: Mỗi ngày làm việc ở phái bộ là một ngày vui. Vui và tự hào khi chị có thể góp một phần công sức nhỏ bé giúp đỡ người dân và lực lượng chức năng địa phương ổn định tình hình, tái thiết cuộc sống. Như ngày 20/5/2023, thượng tá Vinh là cầu nối chuyển 52 suất quà của Hội Phụ nữ Bộ Công an gửi tặng phụ nữ khuyết tật và bị xâm hại tình dục tại Nam Sudan. Bên cạnh đó, chị cùng với 2 sỹ quan trong tổ công tác số 1 còn tích cực tổ chức giao lưu văn hoá, văn nghệ nhân dịp Tết cổ truyền, kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân Việt Nam 19/8; mừng quốc khánh 2/9… tại căn cứ quân sự Tomping (phiên âm: Tom-ping) với sự tham dự của đông đảo đồng nghiệp các nước, tư lệnh cảnh sát quốc tế. Chính các hoạt động này đã góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác, giúp người dân Nam Sudan và bạn bè quốc tế thêm hiểu và thêm yêu mến văn hoá, con người Việt Nam. Thượng tá Lương Thị Trà Vinh cho biết: "Quá trình tuần tra đi tiếp xúc với người dân hoặc làm việc với cảnh sát địa phương thì lúc đầu họ hay nhầm cảnh sát Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, nhưng khi biết là chúng tôi từ Việt Nam tới thì họ rất ngạc nhiên, rất  vui và có một chút tò mò. Họ bảo rằng là đã biết Việt Nam từ rất lâu rồi qua phim ảnh, sách báo; họ rất khâm phục người dân Việt Nam mình trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập. Các bạn bè quốc tế cũng rất vui khi biết 3 anh em chúng tôi là những sĩ quan công an đầu tiên triển khai tại phái bộ. Họ vẫn thường bảo chúng tôi dù chỉ có 3 người nhưng là những người tạo nên lịch sử khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của công an Việt Nam."

 Phái bộ UNMISS ở Nam Sudan và Phái bộ UNISFA - Khu vực Abyei là nơi mà phần lớn các sỹ quan công an Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ gìn giữ hoà bình. Sau lớp sỹ quan đi đầu như Thượng tá Vũ Việt Hùng, Thượng tá Lương Thị Trà Vinh; 3 tổ công tác nữa đã lần lượt lên đường đến với vùng đất châu Phi. Ở vùng đất khắc nghiệt này, các sĩ quan Công an Việt Nam còn tạo dấu ấn đậm nét thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường. Đầu tháng 11 vừa qua, tổ công tác số 3 tại Phái bộ UNISFA đã tích cực triển khai dự án tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại làng Rumajak, khu vực Abyei. Đặc biệt, hoạt động trồng cây xanh do Đại úy Nguyễn Lan Anh chủ trì được phái bộ đánh giá cao và được chọn làm chương trình điểm của phái bộ năm 2024. Mới nhất hiện nay là tổ công tác số 4 gồm Thiếu tá Hoàng Trọng Hòa, Đại úy Nguyễn Thế Anh và Đại úy Trần Thị Thu Trang. Họ là những sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên đến địa bàn Bor, bang Jonglei, Nam Sudan. Đây là điểm nóng xung đột vũ trang giữa các nhóm sắc tộc nên luôn trong tình trạng bất ổn kéo dài với nạn di dân, nạn đói và bệnh tật. Từ Nam Sudan, Đại uý Nguyễn Thế Anh cho biết: "Ban đầu khi đến Nam Sudan thì tôi gặp một số khó khăn nhất định như khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sống thiếu thốn, và các mối nguy cơ an ninh tiềm ẩn. Tuy nhiên, nhờ vào sự chuẩn bị kĩ càng và huấn luyện trước khi lên đường, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước, tôi đã dần làm quen và thích nghi với môi trường mới. Công việc hằng ngày của tôi là thu thập thông tin và phối hợp, hướng dẫn cảnh sát địa phương cũng như xây dựng lòng tin đối với nhân dân. Trong 6 tháng qua, tôi đã tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa, như thực hiện các chương trình từ thiện, hỗ trợ cảnh sát địa phương nâng cao năng lực , đặc biệt là tổ chức các buổi tiếp xúc cộng đồng, những buổi gặp gỡ này không chỉ giúp tôi lắng nghe những khó khăn mà người dân đang phải đối mặt mà còn là dịp để trao đổi hướng dẫn họ cách thức cải thiện cuộc sống và giải quyết vấn đề theo cách hòa bình."

Chùm ảnh: Đại uý Nguyễn Thế Anh đảm nhiệm vị trí Trưởng nhóm của đơn vị Trung tâm Tác chiến khẩn cấp và Hỗ trợ cơ sở dữ liệu 112 tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) từ ngày 5/12/2024.

Vượt qua quá trình tuyển chọn khắt khe của Liên Hợp Quốc để trúng tuyển vị trí Trưởng nhóm của Trung tâm Tác chiến khẩn cấp và hỗ trợ cơ sở dữ liệu 112 tại Phái bộ UNMISS; đại uý Nguyễn Thế Anh nhanh chóng khẳng định trình độ, năng lực, sự chuyên nghiệp của các sĩ quan công an Việt Nam trong một môi trường làm việc quốc tế đa sắc tộc, đa văn hóa. Hàng ngày, Thế Anh chịu trách nhiệm quản lý vận hành để đảm bảo trung tâm hoạt động hiệu quả, đồng thời tăng cường phối hợp giữa cơ quan Cảnh sát quốc gia Nam Sudan và các thành phần của UNMISS, bao gồm quân sự, dân sự và các tổ chức nhân đạo. Ngoài ra, anh còn phụ trách tư vấn, đào tạo và hướng dẫn nhân viên địa phương về các quy trình và kỹ năng ứng phó khẩn cấp cũng như xây dựng lòng tin giữa người dân và lực lượng thực thi pháp luật.

"Hoài bão của tôi là tiếp tục cho sứ mệnh gìn giữ hoà bình. Tôi mong muốn truyền tải hình ảnh người công an Việt Nam tận tâm, trách nhiệm đến cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm quý báu mà tôi tích lũy được trong suốt hành trình làm nhiệm vụ quốc tế. Điều này không chỉ giúp các cán bộ chiến sĩ đi sau chuẩn bị tốt hơn mà còn góp phần lực lượng gìn giữ hoà bình Việt Nam  ngày càng mạnh mẽ, sẵn sàng đối mặt với các thách thức toàn cầu." - Đại uý Nguyễn Thế Anh chia sẻ

Thưa các bạn! Nam Sudan với những câu chuyện ở nơi tận cùng của vùng đất châu Phi; với dịch bệnh, đói nghèo, lạc hậu, xung đột… từ hơn 2 năm nay đã trở nên gần gũi, thân thương với Thượng tá Vũ Việt Hùng, Thượng tá Lương Thị Trà Vinh và Đại uý Nguyễn Thế Anh. Khát khao được cống hiến, khát vọng một cuộc sống hoà bình, ổn định cho người dân trong khu vực và trên thế giới đã là nguồn động lực to lớn để các sỹ quan công an Việt Nam vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, cho dù đó là những nhiệm vụ khó khăn nhất, nguy hiểm nhất. Chúng ta sẽ tiếp tục chủ đề này trong chương trình ngày mai với bài viết mang tựa đề: NHỮNG NGƯỜI LÍNH QUẢ CẢM NƠI TÂM CHẤN ĐỘNG ĐẤT THỔ NHĨ KỲ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

KỲ 4: NIỀM TIN VÀ KHÁT VỌNG THIÊNG LIÊNG, CAO CẢ

KỲ 4: NIỀM TIN VÀ KHÁT VỌNG THIÊNG LIÊNG, CAO CẢ

(ANTV) - Hơn 200 lá đơn tình nguyện tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đến từ công an các đơn vị, địa phương trong cả nước - Đó là con số đầy tự hào của Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1 (VNFPU-1). Trong số hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, có sỹ quan cấp chỉ huy dày dặn kinh nghiệm, có chiến sĩ trẻ mới mang quân hàm trung úy, thượng úy... Họ gặp nhau ở lý tưởng cao đẹp, ở niềm tin cùng khát vọng cống hiến, khát vọng được mang trên mình bộ quân phục cảnh sát Việt Nam cùng chiếc mũ nồi xanh huyền thoại của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

KỲ 3: SỨ MỆNH QUỐC TẾ VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC

KỲ 3: SỨ MỆNH QUỐC TẾ VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC

(ANTV) - Từ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình đến việc hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục thảm họa động đất đã cho thấy năng lực của cán bộ chiến sĩ công an Việt Nam khi thực thi nhiệm vụ quốc tế, khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong việc cùng cộng đồng giải quyết các vấn đề liên quan đến khủng hoảng nhân đạo, thảm họa thiên nhiên và gìn giữ hòa bình. Trong đó, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là trụ cột của đối ngoại CAND Việt Nam, thể hiện bước phát triển mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược của Bộ Công an.

KỲ 2: NHỮNG NGƯỜI LÍNH QUẢ CẢM NƠI TÂM CHẤN  ĐỘNG ĐẤT THỔ NHĨ KỲ

KỲ 2: NHỮNG NGƯỜI LÍNH QUẢ CẢM NƠI TÂM CHẤN ĐỘNG ĐẤT THỔ NHĨ KỲ

(ANTV) - Sáng ngày 6/2/2023; một trận động đất có độ lớn 7,8 richter đã làm rung chuyển tỉnh Kahramanmaras, phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trận động đất kéo theo hàng trăm cơn dư chấn ở 11 tỉnh cũng như nhiều quốc gia láng giềng bao gồm cả Syria. Đây là thảm họa khủng khiếp nhất trong vòng gần một thế kỷ qua ở Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Trước sự tàn phá kinh hoàng của trận động đất, ngày 9/2, Bộ Công an Việt Nam đã cử Đoàn công tác gồm 24 thành viên là những chiến sĩ cứu nạn cứu hộ tinh nhuệ nhất sang Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích cứu nạn cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân và hỗ trợ nhân đạo. Đây là lần đầu tiên Bộ Công an Việt Nam cử Đoàn công tác đi làm nhiệm vụ quốc tế tại một khu vực xảy ra thảm họa ở rất xa lãnh thổ Việt Nam.

KỲ 1: NHỮNG “SỨ GIẢ” HOÀ BÌNH TRÊN VÙNG ĐẤT NAM SUDAN

KỲ 1: NHỮNG “SỨ GIẢ” HOÀ BÌNH TRÊN VÙNG ĐẤT NAM SUDAN

(ANTV) - Thưa các bạn! Cách Việt Nam hơn 8000km, sau 13 năm độc lập, Cộng hòa Nam Sudan vẫn là quốc gia nghèo nhất châu Phi, người dân khốn khổ, oằn mình bởi hậu chiến, dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán…. Trước tình trạng khủng hoảng nhân đạo ngày càng leo thang, bất bình đẳng gia tăng, xung đột dai dẳng; 50 nước trong đó có Việt Nam đã cử sỹ quan cảnh sát tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình ở quốc gia này. Tính từ tháng 10/2022 đến nay, 4 tổ công tác, 12 sỹ quan công an Việt Nam đã lên đường sang Nam Sudan.

TỪ NĂM 2025, XE ĐƯA ĐÓN HỌC SINH PHẢI CÓ CAMERA, THIẾT BỊ CẢNH BÁO CHỐNG BỎ QUÊN TRẺ

TỪ NĂM 2025, XE ĐƯA ĐÓN HỌC SINH PHẢI CÓ CAMERA, THIẾT BỊ CẢNH BÁO CHỐNG BỎ QUÊN TRẺ

Tiêu điểm ANTT 03/01/2025

(ANTV) - Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định xe ôtô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ôtô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Vì sao phải có quy định này? Thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe hữu ích và cần thiết như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này ngay sau đây.

Bản lĩnh thép của người chiến sỹ Công an nhân dân

Bản lĩnh thép của người chiến sỹ Công an nhân dân

(ANTV) - Rắn rỏi, năng động và đầy nhiệt huyết – đó là ấn tượng đầu tiên khi gặp Thiếu tá Nguyễn Phương Anh, cán bộ Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA03), Công an tỉnh Lạng Sơn. Nhắc đến anh, không ai không biết, bởi anh là một chiến sĩ vừa xuất sắc trong công việc, vừa để lại dấu ấn đậm nét với bảng thành tích đồ sộ về giải thưởng và huy chương trong lĩnh vực thể thao.

Chặn đứng ổ nhóm đánh bạc có đường hầm bí mật dài hơn 300m

Chặn đứng ổ nhóm đánh bạc có đường hầm bí mật dài hơn 300m

Phía sau bản án 13/11/2024

(ANTV) - Ngày 28/10, Công an tỉnh Lạng Sơn triệt phá một vụ đánh bạc với quy mô lớn tại huyện Văn Lãng, bắt giữ hơn 30 đối tượng trú tại nhiều tỉnh thành. Sới bạc hoạt động tinh vi, ẩn mình trong ngôi nhà giăng thép có hệ thống đường hầm kiên cố. Vụ việc khiến dư luận xôn xao bởi tính chất phức tạp và các phương thức tinh vi đối phó với lực lượng chức năng.

Đắk Nông: Cán bộ Công an huyện Krông Nô hiến tiểu cầu cứu hai cháu nhỏ

Đắk Nông: Cán bộ Công an huyện Krông Nô hiến tiểu cầu cứu hai cháu nhỏ

(ANTV) - Thời gian qua, ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn, các đơn vị địa phương đã triển khai có hiệu quả nhiều mô hình, phong trào xã hội tình nguyện chung sức vì cộng đồng. Qua đó, đã hỗ trợ nhiều gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, cũng như cung cấp nguồn máu cấp cứu cho các bệnh viện. Mô hình “Chiến sỹ đỏ tình nguyện” Công an tỉnh Đắk Nông là một trong những mô hình tiêu biểu. Mới đây, Công an huyện Krông Nô đã cung cấp tiểu cầu, cứu hai cháu nhỏ đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.

ĐỘNG LỰC SỐNG TƯƠI MỚI NƠI VÙNG CAO GIAN KHÓ

ĐỘNG LỰC SỐNG TƯƠI MỚI NƠI VÙNG CAO GIAN KHÓ

(ANTV) - Ngày 15/11/2023; Đại uý Vũ Văn Chính tạm biệt gia đình, vợ con và cả công việc anh yêu thích ở trường Đại học PCCC để lên tăng cường cho xã vùng cao biên giới Nậm Ban, thuộc huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Thực tế công tác ở xã miền núi nghèo, trọng điểm phức tạp về ANTT đặt ra không ít thách thức đối với một thầy giáo- giảng viên đại học lần đầu đi cơ sở như Đại uý Chính nhưng anh lại coi đó là cơ hội để trải nghiệm thực tế, làm mới bản thân bằng những việc làm hữu ích, phục vụ bà con dân bản.

Xem thêm