(ANTV) - Trong 24h qua, nhiều nước đã cảnh báo xuất hiện các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới do biến thể Delta và Delta Plus của virus SARS-CoV-2. Trong đó, hiện vẫn có rất ít thông tin về biến thể Delta Plus, phiên bản đột biến mới của biến thể Delta, dù nó đã xuất hiện ở 9 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Nga và Trung Quốc và Ấn Độ.
Ấn Độ ngày 22/6 đã phát hiện 22 ca nhiễm biến thể Delta Plus ở 3 bang Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh. Chính phủ nước này nhấn mạnh đây là 1 “biến thể gây lo ngại”. Các chuyên gia y tế lo ngại biến thể Delta Plus có nguy cơ gây ra làn sóng thứ 3 ở Ấn Độ và cảnh báo nó có thể đến sớm hơn dự kiến.
Cùng ngày, Israel thông báo sự gia tăng số ca mắc COVID-19 những ngày qua chính là 1 đợt bùng phát dịch mới tại nước này. Dù khoảng 55% trong tổng số 9 triệu dân Israel đã được tiêm chủng, dữ liệu thu thập được cho thấy biến thể Delta vẫn đang lây lan nhanh chóng. Nội các chống COVID-19 của Israel dự kiến sẽ sớm được triệu tập lại để thảo luận kế hoạch ngăn chặn đợt dịch mới.
Trong khi đó, giới chuyên gia Mỹ cảnh báo biến thể Delta đang là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực chấm dứt đại dịch của nước này. Biến chủng này lây lan nhanh hơn so với chủng virus ban đầu và chỉ có thể tiêm vaccine đầy đủ mới có thể bảo vệ được người dân./.
Tổng thống đắc cử Iran ưu tiên chiến dịch tiêm chủng
Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi cam kết chính quyền sắp tới sẽ khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhanh chóng, nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế vốn đang là 1 trong những tâm điểm của đại dịch ở vùng Trung Đông.
Tổng thống đắc cử Raisi nêu rõ “chiến dịch tiêm chủng mở rộng nhanh chóng nhất” sẽ là 1 trong những chương trình ưu tiên của tân chính phủ. Iran sẽ sử dụng chủ yếu vaccine sản xuất trong nước, và nếu cần thiết, sẽ sản xuất các loại vaccine này ở nước ngoài 1 cách nhanh chóng. Do đó, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận vaccine và nền kinh tế cũng sẽ phục hồi.
Theo kế hoạch, ông Raisi sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Iran vào tháng 8 tới.
Chính quyền sắp mãn nhiệm vốn vấp phải sự chỉ trích vì chậm trễ trong tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Bên cạnh đó, các quan chức cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã tác động đến các nỗ lực mua vaccine của nước ngoài cũng như làm trì hoãn việc giao hàng.
Các cuộc đàm phán Nga-Mỹ về sự ổn định mang tính chiến lược có thể được khởi động vào tháng 7 tới. Đây là thông tin được Đại sứ Nga tại Anh An-đrây Kê-lin tiết lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với kênh truyền hình CNN.
Ông Kelin nhận định các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược Nga-Mỹ sẽ là nhân tố bổ sung cho Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START), đồng thời hy vọng tiến trình này có sự tham gia của tất cả những thành phần cần thiết.
Bình luận về hiện trạng mối quan hệ Nga-Mỹ sau cuộc gặp mới đây giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, Đại sứ Kelin lưu ý rằng mức độ căng thẳng hiện nay trong mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ cần đến nhiều hơn các cuộc gặp thượng đỉnh để tìm ra chìa khóa giải quyết những bất đồng.
Trước đó, hôm 16/6, tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã thảo luận về thực trạng và triển vọng phát triển hơn nữa quan hệ song phương, các vấn đề chiến lược an ninh, cũng như các vấn đề quốc tế, bao gồm hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và giải quyết các xung đột khu vực. Mặc dù thừa nhận không thể ngay lập tức cải thiện được mối quan hệ, nhưng 2 bên cùng thừa nhận tinh thần chung của cuộc gặp là thẳng thắn, xây dựng, không khiêu khích và rất thực tế./.