(ANTV) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Trong phiên làm việc chiều 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Tại phiên họp, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C quy định tại (Điều 7 đến Điều 10 dự thảo Luật). Liên quan đến vấn đề trên có 2 phương án được đưa ra, Phương án 1: Giữ nguyên tiêu chí tổng mức đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, B, C. Phương án 2: Điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành (20.000 tỷ đồng) và điều chỉnh tăng tương ứng đối với dự án nhóm A, B, C.
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm: Trên thực tế chúng ta chưa vướng gì nhiều ở tiêu chí này, phần lớn là do trình tự thủ tục, quy trình tổ chức thự hiện chứ không phải ở cách xác định tiêu chí; cho nên tôi đề nghị giữ như luật hiện hành là chương trình dự án quan trọng quốc gia quy mô vốn là từ 10.000 tỷ trở lên.
Liên quan đến thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nên quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án để đảm bảo tính minh bạch. Nếu Quốc hội quyết định danh mục thì sẽ minh bạch hơn, vì 63 tỉnh thành có 63 đoàn ĐBQH. Đưa ra Quốc hội sẽ minh bạch, không có chuyện thắc mắc sao địa phương này được 1 ngàn, địa phương kia được 2 ngàn...v.v
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 20 ngày, khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 14/6/2019.
Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế và thời gian tiến hành kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị giữ lượng thời gian 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, nửa ngày ở hội trường cho mỗi dự án, dự thảo luật. Không bố trí làm việc ngày thứ Bảy để dành thời gian cho các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc dự phòng trong tr trường hợp có nội dung xét thấy cần thiết phải tăng thời gian thảo luận./.