(ANTV) - Loại bánh mỳ dài của Pháp, hay còn gọi là baguette, đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. UNESCO nhất trí đưa bí quyết thủ công và văn hóa bánh mì baguette vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể.
Ổ bánh mì baguette thon dài, mềm mịn với lớp vỏ giòn sụm là biểu tượng ẩm thực của Pháp trong vòng ít nhất 100 năm qua. Truyền thuyết kể rằng, những người thợ làm bánh của Napoléon Bonaparte đã nghĩ ra hình dạng thon dài để giúp quân đội của ông mang theo dễ dàng hơn. Trong khi một số khác lại cho rằng, August Zang, một thợ làm bánh người Áo mới là người phát minh ra bánh mì baguette.
Về cơ bản, thành phần làm bánh đều đơn giản giống nhau, chỉ gồm bột mì, nước, muối và men, nhưng mỗi tiệm bánh lại mang một phong cách chế biến tinh tế riêng. Ngày nay, bánh mì baguette được bán tại Pháp với giá chỉ 1 euro, tức khoảng 25.000 VN đồng mỗi chiếc.
Mặc dù mức tiêu thụ bánh mì baguette đã giảm xuống trong thập kỷ qua, Pháp vẫn cho ra lò 16 triệu ổ bánh mì mỗi ngày, tức gần 6 tỷ ổ bánh mì mỗi năm.
Ngôi làng làm từ bánh gừng
Nếu như bánh mì baguette được coi là biểu tượng của nước Pháp, thì bánh gừng lại làm nên biểu tượng của Giáng sinh. Trong lễ Giáng sinh ở các nước phương Tây không thể thiếu món bánh này. Những chiếc bánh gừng mới đây còn tạo thành hẳn một ngôi làng với 700 ngôi nhà và được trưng bày tại khu chợ ở New York (Mỹ).
Chủ nhân của ngôi làng bánh gừng này là ông Jon Lovitch, một nghệ nhân làm bánh gừng tại Manhattan, New York. Để tạo ra tác phẩm đặc biệt này, ông Jon Lovitch đã phải bỏ ra gần một năm để chuẩn bị.
Hơn 1,8 tấn kẹo, khoảng 450kg bánh gừng và 6.000 lòng trắng trứng đã được sử dụng. Ngôi làng bánh gừng sẽ được ông Lovitch trưng bày đến ngày 16/1 năm sau. Vào ngày đó, du khách có thể xếp hàng để mang về nhà một ngôi nhà bánh gừng miễn phí.