(ANTV) - Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022). Đây là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân với các anh hùng, liệt sĩ, các thương bệnh binh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với Cách mạng. Trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, rất nhiều nội dung được cư dân mạng chia sẻ về các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn liên quan tới sự kiện kỷ niệm đặc biệt ý nghĩa này.
Những ngày này… hình ảnh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan, đoàn thể, người dân cả nước bày tỏ sự tri ân với các Anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và các gia đình có công trên mọi miền Tổ quốc thực sự tạo nên xu hướng mang đậm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ người trồng cây”, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trên không gian mạng.
Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022), trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội - bằng nhiều hình thức khác nhau,…mỗi cư dân mạng đã bày tỏ lòng thành kính biết ơn với các thế hệ cha ông đã hy sinh vì Tổ quốc…mỗi dòng trạng thái hay nội dung chia sẻ về các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc là minh chứng rõ ràng cho niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; truyền thống yêu nước, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời xác định trách nhiệm của thế hệ sau đối với công lao của các thế hệ đi trước.
Theo thông tin từ Bộ Lao động - thương binh và xã hội, đến nay toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Sau 5 năm thực hiện chỉ thị số 14 của Ban Bí thư ngày 19-7-2017, toàn quốc đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng trong cả nước, trình Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ và công nhận 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Và còn đó hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau… vấn đề này đang đặt ra với các cấp chính quyền và mỗi người dân chung tay giải quyết.
Với sự lan toả mạnh mẽ từ mạng xã hội, rất nhiều cư dân mạng chia sẻ thông tin, để tạo sự liên kết rộng rãi trên không gian mạng để kết nối, tìm kiếm thân nhân hay các phần mộ liệt sĩ còn chưa được quy tập, chưa xác định được thông tin.
Rất nhiều thông tin đi tìm phần mộ các liệt sĩ đã hy sinh trên các mặt trận ở khắp mọi miền Tổ quốc đã và đang được lan toả, kết nối thông qua các hội nhóm, fanpage trên facebook, không dừng lại ở đó, việc lan toả việc làm, hành động tri ân của các ban ngành, đoàn thể, người dân cả nước thực sự đã tạo được bước đột phá trong công tác thực hiện đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn…giúp phần nào vơi đi sự mất mát, đau thương do chiến tranh để lại cho tới ngày nay.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó những mất mát, đau thương do chiến tranh để lại. Mỗi người chúng ta càng thêm hiểu và trân trọng nền hoà bình, độc lập ngày nay có được là nhờ sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ các lớp anh hùng, liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, các mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạch. Để từ đó, “hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân” – theo lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh.
Tri ân những hy sinh vì bình yên cuộc sống
Thời gian qua, các chính sách chăm sóc người có công đã đáp ứng ngày càng tốt hơn những cống hiến, hy sinh nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Điều này đã đặt ra trách nhiệm không nhỏ đối với những người làm công tác chính sách.
Để cùng bàn luận về vấn đề này, ANTV đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Quang Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an.