(ANTV) - Từ đêm qua đến sáng nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra mưa lớn diện rộng với lượng mưa 30-50mm trong 24 giờ, có nơi gần 100mm. Mưa lớn ở Lai Châu khiến các tuyến đường bị sạt lở ta luy dương, gây ách tắc giao thông tạm thời.
Cụ thể, mưa lớn đã làm sạt lở ta luy dương tại km 11+100 Quốc lộ 12, chia cắt giao thông từ trung tâm huyện Phong Thổ với cửa khẩu Ma Lù Thàng; sạt lở taluy dương tại km 35+150 và km 29+380 (địa phận xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ) gây ách tắc giao thông.
Ngoài ra, tại km 113+050, đường tỉnh 133 (từ huyện Tân Uyên đi huyện Sìn Hồ), thuộc địa phận bản Séo Lèng 1, xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ cũng xảy ra sạt lở, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Ngay sau khi xuất hiện sạt lở, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tập trung phương tiện, máy móc, nhân lực để khắc phục.
Ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã ký văn bản số 8222/BGTVT-VT gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu hạn chế tối đa số lượng chuyến bay đến sân bay quốc tế Nội Bài.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay đã nhận được Công văn của Cục Hàng không Việt Nam về việc dừng hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 của thủ tướng chính phủ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam căn cứ quy định hiện hành, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời chủ động điều phối các hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hành khách phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh
Theo đó, ưu tiên phục vụ công tác công vụ, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh; hạn chế tối đa số lượng chuyến bay đến sân bay quốc tế Nội Bài đối với đường bay giữa TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, căn cứ nhu cầu thực tế, có thể giảm khai thác xuống dưới 2 chuyến khứ hồi/ngày.
Nhiều doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cắt giảm lao động trong quý 3/2021
Theo khảo sát “Tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường sức lao động” của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, dự kiến nhiều doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động trong quý 3 này.
Khảo sát được triển khai ở 4.140 doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trong đó có 1.335 doanh nghiệp siêu nhỏ, 2.643 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 162 doanh nghiệp lớn. Qua khảo sát, 1.924 doanh nghiệp thực hiện giảm lao động, chiếm 46,47%.
Phần lớn doanh nghiệp áp dụng hình thức cắt giảm lao động thông qua giảm giờ làm việc hoặc nghỉ luân phiên, tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương; tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương; cho lao động thôi việc.
Số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như: bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, ăn uống và ngành xây dựng. Dự báo, thị trường lao động có thể sẽ sôi động hơn vào quý cuối năm, khi phần lớn các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp lễ, Tết năm 2022.