(ANTV) - Bắt đầu từ ngày 1/1/2022, trang thiết bị y tế là mặt hàng phải kê khai giá và cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.
Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ 1/1/2022. Tổ chức, cá nhân cung cấp trang thiết bị y tế phải kê khai giá, gồm giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, lợi nhuận dự kiến và giá bán tối đa. Giá linh kiện, phụ kiện (nếu có); chi phí bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì, đào tạo...
Thông tin về giá bán, giá trúng thầu trang thiết bị y tế được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Nhiều ý kiến cư dân mạng đánh giá cao tính thời điểm việc ban hành những quy định này
Thực trạng loạn giá thời gian qua đã khiến Chính phủ phải đưa trang thiết bị y tế trở thành mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật Giá.
Trước đó, giá các trang thiết bị y tế được vận hành theo thị trường. Giá được các doanh nghiệp tự xác định do nhu cầu, khả năng cung ứng, tình hình bệnh tật tại từng thời điểm.
Như vậy việc kê khai, công khai giá trang thiết bị y tế sẽ đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận các trang thiết bị chăm sóc y tế 1 cách công bằng.
Đại diện Bộ y tế cho biết, sẽ có hậu kiểm sau khi giá sản phẩm đã được công khai. Đây là vấn đề cũng được nhiều cư dân mạng lo lắng băn khoăn khi trường hợp doanh nghiệp cố tình đẩy giá lên cao so với giá thực tế. Trước mắt, việc kê khai, công khai sẽ tránh đẩy giá thành qua các khâu.
Đi cùng với đó, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Nghị định 124/2021 của Chính phủ cũng đã bổ sung quy định về các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý giá trang thiết bị y tế. Trong đó phạt tiền lên đến 20 triệu đồng nếu không thực hiện việc kê khai giá trang thiết bị y tế trước khi lưu hành tại Việt Nam; mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai hoặc mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán. Hay không thực hiện việc cập nhật giá kê khai trang thiết bị y tế khi có thay đổi...
Quy định pháp luật và chế tài xử phạt đã có. Thực thi thực tế có hiệu quả được hay không là vấn đề đang được cư dân mạng đặt ra.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.800.704 ca mắc COVID-19, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.252 ca nhiễm).
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.794.866 ca, trong đó có 1.410.567 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.651 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua là 223 ca.
Tại TP.HCM, sau 5 ca nhiễm biến chủng Omicron được Sở Y tế TP.HCM công bố ngày 1/1 vừa qua, chiều 4/1, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết đã có thêm 1 ca nhập cảnh là tiếp viên hàng không.
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên; rà soát không bỏ sót đối tượng.